• 1238 lượt xem
  • 15:03 27/12/2022
  • Xã hội

Đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ tự kỷ

Trong những năm gần đây, số lượng người tự kỷ ngày một gia tăng. Những người tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người xung quanh và có các biểu hiện rối loạn khác làm cho họ khó khăn trong hòa nhập cộng đồng. Đối tượng này cần có được sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, bạn bè, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó có quyền được tiếp cận với giáo dục.

Để đảm bảo các em tự kỷ có được môi trường giáo dục tốt nhất, mỗi lớp chỉ có khoảng chục em. Mỗi trẻ tự kỷ có mức độ nặng nhẹ khác nhau, nên đòi hỏi giáo viên phải có cách dạy và tiếp cận khác nhau.

Trường Chuyên biệt Bình Minh huyện Đông Anh được thành lập năm 2002. Trường hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, không thu một khoản kinh phí nào cho hoạt động học tập và giảng dạy nên rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo thêm về cơ sở vật chất cho các em, nhà trường đã kêu gọi từ các tổ chức, cá nhân để góp phần có thêm điều kiện học tập, vui chơi và giảng dạy cho học sinh.

Tại Trung tâm giáo dục đặc biệt Khánh Tâm, với sự đầu tư bài bản, giáo trình được giảng dạy một cách khoa học. Theo các thầy, cô của Trung tâm giáo dục đặc biệt Khánh Tâm, để giúp cho trẻ hòa nhập được với môi trường giáo dục như những trẻ bình thường khác thì các em sẽ được kiểm tra, đánh giá mức độ về nhận thức, hành vi hay giao tiếp, từ đó có những tiết học riêng biệt để nâng cao kỹ năng, khả năng tiếp cận của các em.

Ngày 27/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu chung là huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng.

Mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021 -2025 là hàng năm có ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 10.000 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội. Ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, để đáp ứng được mục tiêu này cần có quy định cụ thể về các dạng khuyết tật trong Luật Người khuyết tật.

Để chương trình phát huy hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; chính sách bảo hiểm y tế cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; Tiếp tục hoàn thiện chính sách về giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí, bảo đảm phổ cập giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Mời các bạn cùng theo dõi chương trình!

Phạm Cường