Dấu ấn Hiệp định Paris qua tài liệu lưu trữ

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/01/1973, là mốc son lịch sử chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nhất nước.

Gần 50 năm đã trôi qua nhưng vẫn còn rất nhiều điều trong khối tài liệu lưu trữ về Hiệp định Paris cần được tiếp tục giải mã, để thấy rõ hơn về giá trị, ý nghĩa của hiệp định này.

Mong muốn nhân lên giá trị của khối tài liệu quý giá mà ba mình - Đại sứ Hà Văn Lâu coi trọng hơn cả tính mạng, đại sứ Hà Thị Ngọc Hà đã trao tặng lại toàn bộ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III bảo quản, lưu giữ. Đáng chú ý, trong đó có nhiều tài liệu vẫn đang được đóng dấu mật.

Trung tâm này hiện đang lưu giữ, bảo quản khối tài liệu đa dạng với hàng trăm tài liệu ở nhiều loại hình khác nhau như: văn bản, phim, ảnh... từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong khối tài liệu này có cả những file ghi âm tại hội nghị. Nguồn tài liệu quý giá này đang được cán bộ của Trung tâm lưu trữ quốc gia III nỗ lực giải mã, để mang đến cho công chúng một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về quá trình cuộc đàm phán đầy cam go, kéo dài tới 5 năm.

Từ năm 1968 đến năm 1973, Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là kết quả quá trình đàm phán lâu dài, sự chuẩn bị, tham gia và ủng hộ của nhiều bên. Vì vậy, với trách nhiệm của cơ quan lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang tiếp tục thu thập tài liệu, hợp tác cùng lưu trữ các nước bạn để mang tới cho công chúng một cái nhìn tổng thể về tiến trình đàm phán, ký kết hiệp định này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam