• 2661 lượt xem
  • 07:11 07/07/2022
  • Kinh tế

Đẩy mạnh kiểm toán với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

Đối với những doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống thì vai trò của Nhà nước rất thấp, không điều hành được doanh nghiệp theo mục tiêu đã định khi tiến hành cổ phần hoá nên hoạt động kinh doanh còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhận định được đưa ra tại hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm toán Nhà nước với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ”.

Các đại biểu cũng nêu rõ, cần thiết có quy định tiêu chí cụ thể để Kiểm toán đối tượng doanh nghiệp này, nhằm quản lý, sử dụng tốt hơn tài sản công.

Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến ngày 30/6/2022, qua 6 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với Kiểm toán báo cáo tài chính Công ty mẹ các Tập đoàn và Tổng Công ty nhà nước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu hơn 89 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là các khoản thu do sai sót trong kê khai, xác định thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Một số nguyên nhân được Kiểm toán nhà nước chỉ ra đó là do công tác đầu tư chưa hiệu quả, khả năng thu hồi vốn hạn chế, một số Tổng Công ty chưa cử người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty tại Công ty con và công ty liên kết, chưa ban hành Quy chế quản lý người đại diện vốn của Công ty tại các doanh nghiệp nhận đầu tư.

Bà LÊ THỊ THU HƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước: “Về trách nhiệm của người đại diện phần vốn của Nhà nước cũng như trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan đại diện chủ sở hữu mới chỉ dừng ở mức phát hiện liên quan tới quản lý, quản trị tại doanh nghiệp. Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như chưa thực hiện đánh giá người đại diện vốn theo quy định”

Hiện Quy định trong công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống còn hạn chế. Trong đó, quy định đánh giá xếp loại người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang mang nặng tính hành chính nên việc quản lý vốn đạt hiệu quả thấp, quyền quyết định trong doanh nghiệp phụ thuộc vào tỷ trọng vốn Nhà nước trong mỗi doanh nghiệp, cũng như cơ chế ra quyết định theo điều lệ của doanh nghiệp."

Tiến sỹ VŨ ĐÌNH ÁNH, Chuyên gia Kinh tế: “Doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước dưới 50% về mặt bản chất là thiếu quyền quyết định của người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp. Nếu người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có khả năng, hoặc làm được từ không có quyền quyết định tới có quyền quyết định và từ có ít quyền quyết định tới có nhiều quyền quyết định thì đây là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá một cán bộ/con người mà chúng ta bổ nhiệm vào vị trí đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp".

Từ thực tiễn kiểm toán cho thấy, quản lý phần vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% chỉ hiệu quả khi người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có quyền quyết định tại doanh nghiệp. Hiện trong văn bản pháp luật chưa quy định rõ Kiểm toán Nhà nước đối với doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước dưới 50% chính là lỗ hổng trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nói chung.

Hải Yến