Đề nghị làm rõ vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc quản lý, khai thác, cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ

Sáng 30/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).Về chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và vai trò, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc quản lý, khai thác, cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên họp, ĐBQH Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, nhằm hoàn hiện dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp rà soát, chỉnh lý về giải thích từ ngữ và chỉnh lý kỹ thuật để đảm bảo thống nhất giữa các Điều, khoản trong dự thảo Luật, bởi dự thảo Luật này có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành…

Cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về khái niệm “chứng thư điện tử” tại Khoản 5, Điều 3 của dự thảo Luật với Khoản 1, Điều 4 Luật giao dịch điện tử năm 2015. Theo đại biểu, cần chỉnh lý về mặt kỹ thuật để có cách hiểu thống nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng cụm từ “dữ liệu chủ” hay “dữ liệu gốc” tại Khoản 9 nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với nội dung giải thích về cụm từ này.

Đồng thời bổ sung giải thích từ ngữ đối với “tài khoản giao dịch điện tử” để thống nhất với các nội dung được quy định tại Điều 49 về tài khoản giao dịch điện tử. 

Về chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu bày tỏ nhất trí như các đại biểu đã phát biểu trước; nhấn mạnh cụm từ “chữ ký số chuyên dùng công vụ” được lặp lại 22 lần trong dự thảo Luật, quy định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý nhà nước. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và vai trò, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc quản lý, khai thác, cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!