Đề xuất thống nhất cơ quan quản lý các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên

Cần thống nhất đầu mối quản lý về mặt chuyên môn đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện. Đây là đề xuất được đưa ra tại buổi Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội diễn ra sáng 18/7 tại Huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Được thành lập từ năm 2017, mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Nghĩa Đàn tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề cho khoảng 1.000 người. Với 18 ngành nghề được cấp giấy phép đào tạo, Trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn liên quan đến quy chế hoạt động.

Ông TRƯƠNG HÙNG CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm GDNN, GDTX Huyện Nghĩa Đàn, Tỉnh Nghệ An: “1 đơn vị sự nghiệp nhưng có 3 đơn vị quản lý về Nhà nước cũng như chuyên môn. Về quản lý con người do UBND huyện quản lý nhưng về mặt chuyên môn do 2 Sở: Sở LĐTBXH và Sở Giáo dục Đào tạo quản lý về mảng giáo dục thường xuyên, nên chúng tôi thấy sự chồng chéo.”

Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cần thống nhất cơ quan chủ quản quản lý các trung tâm GDNN, GDTX cấp Huyện, để cho các trung tâm hoạt động có hiệu quả, và có quy mô.

Ông TRƯƠNG HÙNG CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm GDNN, GDTX Huyện Nghĩa Đàn, Tỉnh Nghệ An: “Nếu như trường hợp không thống nhất được đơn vị chủ quản, chúng tôi cũng đề nghị là 2 Bộ là Bộ Giáo dục và Bộ LĐTBXH ngồi lại, bàn bạc để thống nhất xây dựng cho các trung tâm GDNN, GDTX cấp huyện có quy chế tổ chức hoạt động riêng”

Ông TẠ VĂN HẠ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Để giải quyết tình trạng này thì rõ ràng vai trò điều tiết, điều phối của UBND huyện là rất quan trọng. Làm sao điều hoà được hoạt động của 2 lĩnh vực là Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên hiện nay”.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 19 cơ sở giáo dục thường xuyên. Nhờ đó, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt khá cao, khoảng 85%. Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ chế quản lý, trong đó nhấn mạnh đến việc gắn với thực tế sẽ khắc phục được những khó khăn, từ đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. 

Lê Hương