Di cư bất hợp pháp - những giấc mơ không thành

Sáng 1/7, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Toạ đàm về Nghị định thư của Liên hợp quốc về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không. Theo thông tin tại Tọa đàm của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, tình hình hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Ngày 23/10/2019, nhà chức trách Anh phát hiện 39 thi thể người Việt trong một thùng xe container đông lạnh đỗ tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex. Báo cáo điều tra cho thấy các nạn nhân được đưa lên xe ở phía bắc nước Pháp và nộp cho những kẻ buôn người tới hơn 23.000 USD để vượt biên từ Pháp sang Anh. Container chở họ được chuyển bằng phà từ cảng Zeebrugge ở Bỉ tới cảng Purfleet, Anh, trong đêm. Các nạn nhân sau đó tử vong vì thiếu oxy và quá nóng trong không gian kín.

Liên quan đến vụ việc này, Đầu năm 2021, Tòa án Anh kết án 4 bị cáo 13-27 năm tù; Đầu năm 2022, Tòa án ở Bỉ tuyên án đối với 18 bị cáo, trong đó có kẻ chủ mưu người Việt bị tuyên án 15 năm tù. Trước đó, tháng 9/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 7 người, gồm 6 nam, một nữ, từ một năm tù treo đến 7 năm 6 tháng tù giam vì đưa Trà My, một trong những nạn nhân tử vong trong container tại Anh, cùng nhiều lao động ra nước ngoài trái phép.

Mặc dù các quốc gia và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống hoạt động đưa người di cư trái phép, nhưng tình hình trên thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đại tá ĐÀO BÁ THÔNG, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an: “Theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tình trạng người Việt Nam được các đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép vào Pháp, tập trung tại vùng Calais để nhập cảnh trái phép vào Anh vẫn tiếp tục diễn ra, (tương tự vụ 39 người thiệt mạng trong Container khi nhập cảnh trái phép vào Anh).” 

Để đấu tranh phòng, chống đưa người di cư trái phép, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ và bao quát.

Bà LÊ THỊ VÂN ANH, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp: "Bên cạnh công tác phòng ngừa, chúng ta cũng có hệ thống pháp luật xử lý các hành vi vi phạm, chúng ta có hai hệ thống để xử lý đó là xử lý hành chính và xử lý hình sự. Những quy định của bộ luật hình sự đã đáp ứng tương đối với các quy định của Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không. Tuy nhiên, khi soi chiếu cẩn trọng hơn, thì cũng còn những điểm nó chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư.”

Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên chưa tham gia Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép.

Bà MAI THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: "Tôi cho rằng không có quá nhiều rào cản đối với Việt Nam khi gia nhập Nghị định thư này. Nghị định thư này có nhiều nội dung mà pháp luật của chúng ta đã có điểm tương đồng, vì thế nên là chúng ta có nhiều điểm thuận lợi hơn. Hơn nữa, khi gia nhập công ước này, chúng ta có sự hợp tác quốc tế với các quốc gia thành viên, để làm sao công tác chống đưa người di cư trái phép hiệu quả hơn trên bình diện quốc tế.”

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng một số quy định của pháp luật Việt nam còn chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư. Hiện Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét việc tham gia Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép, do vậy cần có sự nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để có thể đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.

Ninh Tùng