• 3237 lượt xem
  • 09:06 29/04/2022
  • Văn hóa

Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia nghề gốm Bát Tràng - động lực đưa làng nghề lên tầm cao mới

Nhắc đến làng nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, không thể không nhắc đến làng gốm Bát Tràng. Đây không chỉ là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền đời của Hà Nội mà còn là một trong những nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng Gốm Bát Tràng không chỉ nổi bật với sắc màu văn hóa truyền thống mà còn là địa điểm độc đáo thu hút khách du lịch. Ngày hôm nay (28/4), nghề gốm làng Bát Tràng đã chính thức được ghi nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là một niềm vui, niềm tự hào của người dân Bát Tràng nói riêng và của người dân Thủ đô Hà Nội nói chung.

Nguồn gốc gốm sứ Bát Tràng có từ rất lâu đời, trải qua những thăng trầm của lịch sử, lúc thịnh, lúc suy. Cho đến nay, không thể phủ nhận gốm sứ Bát Tràng vẫn luôn mang vẻ đẹp của sự độc đáo và tinh xảo trong từng sản phẩm. Và cũng từ đó, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không chỉ có vị trí trên thị trường trong nước mà còn ngày càng phát triển ra thị trường thế giới.

PGS.TS TRẦN LÂM BIỀN - Nhà nghiên cứu Di sản Văn hoá : “Rõ ràng chúng ta nhìn thấy gốm Bát Tràng như có thần và như mấp máy nói với chúng ta về tâm hồn của người nghệ nhân. Và nghệ thuật ấy tạo cho chúng ta những cảm xúc đặc biệt mà khó ở gốm công nghiệp nào có thể thực hiện được”.

Ông PHẠM HUY KHÔI - Chủ tịch xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà nội: “Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch của huyện Gia Lâm cũng như xã Bát Tràng, hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng cũng như phục hồi các hoạt động du lịch, đặc biệt là các hoạt động hướng nghiệp, hướng dẫn du khách khi đến tham quan Bát Tràng trải nghiệm với nghề. Hy vọng trong thời gian tới, du khách đến với Bát Tràng sẽ trải nghiệm nhiều hơn và hiểu hơn với nghề làm gốm Bát Tràng". 

Với những giá trị riêng về mặt văn hóa, lịch sử, kỹ thuật và thẩm mỹ cũng như giá trị di sản với cuộc sống đương đại, nghề gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng đã vinh dự được nhận quyết định là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm vui không chỉ của người dân, người thợ của làng nghề mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam khi những giá trị văn hoá  được tôn vinh, gìn giữ và phát triển lâu dài.

Nghệ nhân ưu tú TRẦN ĐỨC TÂN: “Chúng tôi là một thế hệ nghệ nhân kế cận của làng nghề nổi tiếng, đây cũng là một dịp để trăm hoa đua nở trong dịp này. Nhưng đằng sau đó, chúng tôi phải suy nghĩ nhiều hơn vì khi được đón nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia thì chúng tôi phải đưa làng nghề của mình lên một tầm cao mới, đó là bảo tồn và phát triển nghề làm sao để cập nhật tinh hoa nhất, hội nhập cho làng nghề."

Nghệ nhân TRẦN CƯỜNG: “Ngày hôm nay là một ngày rất là vui vì sau một thời gian gìn giữ, làng gốm đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, với tôi là một người rất trẻ về tuổi đời và nghề thì ngày hôm nay được tham dự sự kiện này là nguồn động viên rất lớn khi ban tổ chức cho tôi có cơ hội được trưng bày sản phẩm ở đây để gửi đến người yêu gốm trên cả nước”. 

Giữa Thủ đô hoa lệ, làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi bật với sắc màu văn hóa truyền thống mà còn là địa điểm độc đáo thu hút khách du lịch. Bên cạnh lễ đón nhận Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, Tuần lễ du lịch Bát Tràng cũng chính thức được triển khai từ ngày 28/4 đến hết ngày 3/5/2022 với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng nhằm tuyên truyền, quảng bá "Điểm du lịch Bát Tràng".

Việt Hoà