• 1155 lượt xem
  • 00:29 29/07/2022
  • Văn hóa

Di sản Việt Nam |Số 17|: Di sản khảo cổ vì sao vẫn còn xa lạ với đại đa số người dân?

Bảo tồn và phát huy luôn là những nhiệm vụ được đặt song song trong công tác ứng xử với di sản. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được cùng lúc hai nhiệm vụ trên bởi nhiều lí do. Câu chuyện Di sản tuần này muốn đề cập tới lĩnh vực di sản khảo cổ - một lĩnh vực vốn được đánh giá là niềm yêu thích của các nhà khoa học nhưng lại khó tiếp cận với đại đa số người dân.

Những thông tin cụ thể về địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ Đoài này sẽ mở đầu cho chuyên mục Dòng chảy di sản tuần này. Mời quý vị khán giả cùng theo dõi!

CHÙA TÂY PHƯƠNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ ĐIỂM DU LỊCH DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

Nhắc đến những giá trị văn hóa xứ Đoài nổi tiếng, chắc hẳn chúng ta không thể bỏ qua di tích chùa Tây Phương, địa điểm đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2014. Nhằm phát huy giá trị của điểm di tích này, tạo tuyến du lịch tâm linh ngày một chuyên nghiệp hơn, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định công nhận chùa Tây Phương là điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt.

Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương nằm tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, là ngôi chùa có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đây là một di tích tiêu biểu nhất về mặt kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18. 

Đặc biệt, chùa Tây Phương nổi tiếng với bộ tượng thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, có thể coi là Phật điện đông đúc nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam, có giá trị tiêu biểu, xuất sắc về tượng gỗ, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Việc công nhận nơi đây là địa điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt sẽ góp phần quy hoạch phát triển du lịch khu vực này một cách bài bản, đảm bảo những quy định của Luật Du lịch.

MÔ PHỎNG 3D CÔNG VIÊN LỊCH SỬ - VĂN HÓA - TÂM LINH TÔ LỊCH

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu nội dung đề xuất của Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE là xây dựng dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt Nhật) và xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm.  Đề án với mong muốn giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão. Theo đề xuất, dự án có tổng chiều dài 12,6km, điểm nhấn là các công trình văn hóa lịch sử phía trên lòng sông.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE: “Sẽ có rất nhiều công trình kiến trúc mang đến giá trị văn hoá, lịch sử cho người dân cũng như khách du lịch. Đây gần như là một cụm di tích ngoài trời, phát huy giá trị nghìn năm văn hiến Thăng Long”. 

Ông ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: “Đây không chỉ là công trình văn hóa mà còn có thể đem lại lợi ích kinh tế, đặc biệt là kế thừa các nghiên cứu đã có, rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại cũ.” 

DI SẢN HỘI AN LỌT TOP NHỮNG THÀNH PHỐ TỐT NHẤT THẾ GIỚI

Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel & Leisure (Mỹ) vừa công bố Hội An là thành phố duy nhất của Việt Nam nằm trong top những thành phố tốt nhất thế giới năm 2022. Trên bảng xếp hạng "Top 25 thành phố tốt nhất thế giới năm 2022", Hội An đứng ở vị trí thứ 20 với số điểm bình chọn của độc giả là 88,92/100 điểm.

Thang điểm của tạp chí này dựa trên những trải nghiệm của du khách và độc giả trên khắp thế giới về các địa điểm du lịch nổi tiếng ở các nước. Trước đó, Hội An cũng  lọt top 10 Thành phố hiếu khách nhất thế giới năm 2022 do nền tảng du lịch kỹ thuật số Booking.com công bố dựa trên kết quả của hơn 232 triệu đánh giá thật từ du khách.

Bảo tồn và phát huy luôn là những nhiệm vụ được đặt song song với nhau trong công tác ứng xử với di sản. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thực hiện được cùng lúc hai nhiệm vụ trên bởi nhiều lí do khách quan cũng như chủ quan. Trong chuyên mục Câu chuyện Di sản tuần này, chúng tôi muốn đề cập tới lĩnh vực di sản khảo cổ - một lĩnh vực vốn được đánh giá là niềm yêu thích của các nhà khoa học nhưng lại khó tiếp cận với đại đa số người dân. Tại sao lại tồn tại một thực tế như vậy? Hãy cùng tôi theo dõi phần trao đổi của BTV Nhật Thảo và một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ học.

Trước hết, mời quý vị khán giả cùng theo dõi phóng sự sau đây. 

Nhân dịp ra Hà Nội công tác, anh Thanh Phúc và chị Thanh Trúc đã chọn Hoàng Thành Thăng Long để ghé thăm trước khi lên đường trở về TP Hồ Chí Minh. Dường như cái nắng nóng của Hà Nội vào thời điểm này cũng không làm chuyến trải nghiệm  tại khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu của hai anh chị bớt thú vị. Bởi đây là lần đầu tiên, anh Phúc cũng như chị Trúc được nhìn tận mắt từng lớp kết cấu của kinh thành Thăng Long xưa.

Anh ĐINH QUANG TRƯỜNG PHÚC, du khách TP Hồ Chí Minh: "Thực sự là khi đứng ở đây, cảm xúc của mình rất là tự hào, rất là phấn khích khi được trải nghiệm, một trải nghiệm rất thú vị để tìm hiểu về lịch sử của dân tộc."

Chị HUỲNH THỊ THANH TRÚC, du khách TP Hồ Chí Minh: "Được mọi người quảng cáo rất là nhiều, giới thiệu rất là nhiều về Hoàng Thành Thăng Long, nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, mình cũng mong muốn được đến Hoàng Thành Thăng Long và coi di tích lịch sử văn hóa như thế nào. Di tích khảo cổ học là những hiện vật được khôi phục lại khi chúng ta khai quật khu vực này."

Có lẽ lần đầu tiên được tiếp xúc với những hố khai quật, những di vật cổ xưa như là đá, là ngói, là gạch, những du khách từ phương xa cũng đã có chút nhầm lẫn về nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên, sau khi đọc thông tin từ các bảng chỉ dẫn, hai anh chị đã hiểu rõ đó là những di vật nguyên gốc, được lấy lên từ chính những hố khai quật trong khu vực thành cổ này. Đây chính là điểm độc đáo riêng có của các di tích khảo cổ.

Anh ĐINH QUANG TRƯỜNG PHÚC, du khách TP Hồ Chí Minh: "Với những di sản về văn hóa nghệ thuật, nó thuộc văn hóa dân gian, còn những kiến trúc, những hiện vật, dấu tích như vậy là ghi nhận của thực tế, ghi nhận của lịch sử để chứng minh rằng, tôn tạo nét văn hóa đó đặc sắc hơn".

Chị HUỲNH THỊ THANH TRÚC, du khách TP Hồ Chí Minh: "Nếu để trong kiếng không, mình sẽ không thể cảm nhận được và mình cũng không thể hình dung được như thế nào, nhưng khi có thể sờ vào hiện vật ở khu khảo cổ ngoài trời như thế này mình rất là thích và cũng được hướng dẫn, chỉ cho mình một số cái nên mình cũng đã hiểu được."

Theo dòng lịch sử, vào tháng 12/2002, nhằm chuẩn bị cho việc xây nhà Quốc hội mới, một cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được tiến hành tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật này đã giúp phát lộ nhiều kiến trúc và di vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1.300 năm. 

Sau 8 năm phát lộ, khu vực này chính thức mở cửa đón công chúng từ ngày 2/10/2010 với mô hình trưng bày rất mở và gần như nguyên trạng. Tuy vậy, nếu so sánh giữa khu vực Đoan Môn và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu thì lượng khách vẫn có chút chênh lệch bởi khảo cổ học không phải là lĩnh vực dễ tiếp cận.

Bà NGUYỄN HỒNG CHI, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội: “Trên thực tế, các dấu tích khảo cổ học được phát lộ và bảo tồn phát huy bên khu di tích 18 Hoàng Diệu cũng là một loại hình di tích tương đối khó đối với công chúng khách tham quan. Đối với việc này, chúng tôi đã hỗ trợ khu di tích khảo cổ học các hình thức diễn giải. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những chương trình giáo dục di sản như ”Em làm nhà khảo cổ" hay Tour đêm Hoàng Thành Thăng Long. Cùng với hệ thống trưng bày, khách tham quan cũng có thể tham gia vào chương trình này để tìm hiểu thêm các di tích, di vật phát lộ tại khu 18 Hoàng Diệu."

Có thể thấy, để phát huy được giá trị di sản của khu vực này, trong suốt 12 năm qua, bên cạnh việc nhận được nguồn đầu tư lớn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội - đơn vị được giao quyền quản lý Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long đã phải nỗ lực, sáng tạo nhiều cách thức để giúp công chúng dễ dàng tiếp cận những giá trị di sản khảo cổ. Tuy nhiên, với vị thế của một di sản mang tầm cỡ thế giới, tiềm năng thu hút du khách của khu vực này có thể còn lớn hơn nhiều so kết quả của hiện tại.

MC Nhật Thảo: Thưa quý vị khán giả, tôi đang có mặt trong khu khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Thời điểm này đã là buổi tối rồi và khu vực này chuẩn bị đón những đoàn khách tham gia tour đêm Hoàng Thành Thăng Long do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức. Đây là một sản phẩm du lịch rất thú vị bởi khi tham quan khu vực này vào buổi tối, quý vị khán giả sẽ có thêm trải nghiệm thực tế về những tầng đất đá hay những tầng lịch sử tại các hố khai quật trong khu vực này. 

Xung quanh chủ đề về phát huy giá trị di tích khảo cổ học trong chuyên mục Câu chuyện Di sản tuần này, hãy cùng tôi gặp gỡ PGS. TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành và ông cũng chủ nhiệm Dự án nghiên cứu tại Hoàng Thành Thăng Long từ nhiều năm nay. 

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Con đường gập ghềnh này là trục chính dẫn đến di tích Hang Chổ, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tình Hòa Bình - một trong những địa điểm đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích khảo cổ cấp Quốc gia từ năm 2000. Thế nhưng, ngay cả khi đến trước lối vào Hang Chổ, nếu không được chính quyền địa phương dẫn vào thì chúng tôi cũng khó có thể biết chính xác Hang Chổ nằm chỗ nào, bởi quanh đây không một tấm bảng hay một chỉ dẫn nào cả. Dường như điểm di tích này đã trở nên vô hình trên mọi cung đường khám phá mảnh đất của nền văn minh Hòa Bình.

Ông BÙI ĐỨC THUẬN, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: "Sau khi được công nhận, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch, ban hành kế hoạch xây dựng để quản lý hang trên địa bàn. Như các chị biết, hang trên địa bàn mới được công nhận, để khai thác sử dụng thì nó cũng chưa đạt yêu cầu. Ở đây cũng mong muốn nhận được sự đầu tư, quan tâm của các cấp, từ cấp huyện, tỉnh đến các cơ quan có thẩm quyền."

Mặc dù là một điểm di tích khảo cổ quan trọng, nơi phát lộ nhiều dấu tích của nền văn minh Hòa Bình, thế nhưng, khi vào tham quan điểm di tích này các du khách chỉ thấy một hang động tĩnh mịch, không mấy đặc sắc. Cái được cho là đặc sắc nhất ở khu vực này chắc là từng lớp ốc cổ đã bị hóa thạch, nhưng nếu không có người thuyết minh thì cũng không ai biết giá trị của những lớp vỏ ốc này. Di tích khảo cổ ở chỗ nào? Nền văn minh Hòa Bình như thế nào khi được phát hiện ở đây? Quá khó để trả lời với một không gian di tích không điểm nhấn.

Ông ĐINH VĂN BIÊN, Bảo vệ di tích Hang Chổ, Hòa Bình: "Mình làm cái trưng bày để tượng trưng, về những thời điểm mình khai quật các đồ vật đó, có thể để ở trong hang hoặc là làm cái ảnh để ngoài cổng, cạnh đường quốc lộ người ta đi".

GS.TS LÂM THỊ MỸ DUNG, Khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội: "Nếu một di tích không được đưa vào sử dụng, hay hiểu theo nghĩa là không mang lại cái giá trị gì cho cư dân hiện nay thì nó chỉ là một di tích chết thôi. Vì thế, hang Chổ cũng như nhiều hang động khác có dấu tích của văn hóa Hòa Bình ở Hòa Bình cũng như ở nhiều tỉnh khác thì đều trong một thực trạng  như chúng ta thấy. Chúng ta để xảy ra một cuộc li hôn, tức là li hôn giữa hiện vật và bản thân di tích, tức là đưa hiện vật ra khỏi bối cảnh. Di vật được đưa ra khỏi bối cảnh thì chỉ có thể để trong kho các bảo tàng hoặc trưng bày ở một số bảo tàng khác nhau".

"Di tích chết" là thực trạng của rất nhiều địa điểm khảo cổ học chứ không chỉ riêng ở Hang Chổ. Tính riêng trên tỉnh Hòa Bình thì cũng ít nhất cũng 4-5 địa điểm di tích khảo cổ đang gặp khó trong quá trình phát huy giá trị. Đây là vấn đề mà chắc chắn các nhà quản lý đều nhận thấy, tuy nhiên để giải quyết thế nào thì có lẽ còn cả một chặng đường rất dài khi mà chúng ta vẫn chưa thực sự đánh giá đúng giá trị của di sản khảo cổ học.

Mời quý vị theo dõi chương trình!

BẢO VẬT QUỐC GIA ĐỊNH NAM ĐAO

Trong nhiều năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu về Vương triều Mạc cũng như hai vị vua đầu triều là Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) của giới sử học Việt Nam đã phần nào làm sáng tỏ công lao của nhà Mạc trong cả lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, lẫn xã hội…. Nhờ vậy mà hậu nhân cũng đã có những cái nhìn khách quan và công bằng về Vương triều Mạc nói chung; giúp những giá trị văn hoá, lịch sử của giai đoạn này được nhìn nhận và trân trọng hơn. Điển hình như câu chuyện lưu lạc hơn 500 năm của thanh “Định Nam Đao” – một trong những Bảo vật Quốc gia của năm 2020 và hiện đang được lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. 

"Định Nam Đao" hay "Thanh Long đao triều Mạc" là những cách mà các nhà nghiên cứu vẫn thường gọi đối với hiện vật được bảo quản và cất giữ tại khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Truyền kỳ về thanh long đao này có nhiều phiên bản, nhưng tới thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến thống nhất đây là thanh long đao gắn với vương quyền của Vương triều Mạc.

Ông NGÔ ĐĂNG LỢI  – Nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng: "Khi nhà Mạc bị nhà Lê, Trịnh đánh đổ, có một người con thứ mới đổi sang họ Phạm và mang thanh long đao này chạy vào Nam Định. Vì thế mà ta mới gọi là Định Nam Đao là như thế. Sau này khi mà thành phố chúng ta, và cả nước xác định lại công lao của Vương triều Mạc đối với Tổ quốc, với đất nước, với địa phương thì chúng ta mới đưa thanh long đao ra."

Trải qua hàng trăm năm, thanh long đao đã bị han rỉ và sứt mẻ khá nhiều, song vẫn giữ được hình dáng khá nguyên vẹn, với chiều dài 2,55m. Điểm đáng chú ý trên thanh long đao là một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao. Theo tính toán của các nhà khoa học, khối lượng thực của thanh long đao này phải hơn 30kg, vì vậy rất ít khả năng có người sử dụng được, và giải thuyết thanh long đao được coi là biểu tượng của vương quyền sẽ hợp lý hơn cả.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Trưởng ban Quản lý Di tích khu tưởng niệm Vương triều Mạc: "Khi các đoàn về tham quan, chiêm bái thì hướng dẫn viên tại điểm tham quan của chúng tôi cũng hướng dẫn rất sâu về bảo vật quốc gia thời Mạc. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ của chúng tôi cũng được tiến hành thường xuyên và hàng năm, ví dụ như là hệ thống camera an ninh để bảo vệ hay như hệ thống phòng chống cháy nổ."

Khác với nhiều bảo vật quốc gia có giá trị thẩm mỹ cao, thanh long đao Vương triều Mạc không có nhiều họa tiết trang trí đặc biệt, thế nhưng khi chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia này, chúng ta dễ dàng hồi tưởng tới những cuộc chinh chiến của những vị vương quyền trong suốt chiều dài lịch sử; và đó là lý do vì sao thanh long đao được chọn làm bảo vật quốc gia. 

NƠI NÀY NĂM XƯA

Có thể chúng ta từng đi qua một ngôi nhà nhỏ nằm trong một con ngõ hay con ngách bình dị nào đó mà không hề biết rằng nơi đây lại từng diễn ra những sự kiện lịch sử đầy hào hùng. Và tôi nghĩ không phải 1 lần, mà có thể chúng ta đã từng bỏ lỡ những giá trị lịch sử của đất nước nhiều lần trong mỗi quãng đường chúng ta đi qua. Chính vì lẽ đó mà ngày hôm nay, chúng tôi muốn gửi tới Quý vị khán giả câu chuyện  về di tích lịch sử cách mạng “Nhà cụ Đám Thi” tại ở thôn Thọ Môn, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), một địa chỉ từng có thời hoạt động cách mạng rất sôi nổi, nhưng nếu không được nhắc đến thì rất có thể chúng ta sẽ không biết được sự tồn tại của di tích.

Vào một ngày nắng gắt, nếu bước chân vào không gian được pha trộn giữa nét truyền thống của nhà ba gian hai trái cùng với chút kiến trúc của thời kì Pháp thuộc thì có lẽ điều mà mọi du khách cảm nhận được là dịu mát và bình yên nơi đây. Thế nhưng, ngược dòng thời gian về những năm 1940-1945 thì ngôi nhà của cụ Nguyễn Tiến Thuận hay còn được gọi là cụ Đám Thi là một căn cứ cách mạng quan trọng, nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng, Phan Đăng Lưu vv…..Và tại đây cũng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng mang tính chất quyết định đến cách mạng cả nước.

Bà NGUYỄN THỊ THÚY, Cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh: “Chúng ta đang đứng tại di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi, nơi đây diễn ra một cuộc họp rất là quan trọng của Ban Thường vụ trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, đã đề ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta””.

Nhà cụ Đám Thi là hay cụ Nguyễn Tiến Thuận có thiết kế khá đặc biệt. Ngoài 5 gian nhà chính thì còn nhà khách là căn nhà gác 2 tầng, có thiết kế cao hơn hẳn những ngôi nhà khác trong xóm. Đứng trên gác có thể quan sát được khắp các lối đi, đường ngang, ngõ dọc vào nhà. Đây là cơ sở lý tưởng vừa để họp bàn và nhanh chóng trốn thoát từ cửa sổ tầng 2 khi có báo động. Bởi vậy, Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ đã chọn làm cơ sở hoạt động cách mạng. Đặc biệt, đêm ngày 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng họp tại đây đã cho ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị làm kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với ý nghĩa to lớn đó, nhà cụ Đám Thi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cách mạng quốc gia năm 1979.

Ông NGUYỄN CHÍNH THẮNG, Cháu nội cụ Đám Thi: “Những năm vừa qua thì Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến di tích, thường xuyên giao cho Ban di tích Bắc Ninh về duy tu, sửa chữa,, khắc phục khó khăn để bảo đảm di tích sạch sẽ, khách tới tham quan thuận lợi. Đó là lịch sử nên gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và cũng rất hoan nghênh du khách tới đây tham quan.”

Cũng như nhiều di tích lịch sử cách mạng khác trên cả nước, nhà cụ Đám Thi luôn mở cửa đón du khách tới tham quan, tìm hiểu quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Thế nhưng, du khách lại chỉ nhớ tới hay biết tới địa chỉ này thường là vào những dịp kỉ niệm cách mạng. Đây chính điều tiếc nuối rất lớn cho thế hệ hôm nay, khi vô tình bỏ qua những giá trị lịch sử hào hùng của đất nước.

Trong không khí hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, có lẽ “Nhà cụ Đám Thi” sẽ lại được đón những đoàn khách về thăm di tích cách mạng quan trọng. Thế nhưng khi lễ kỉ niệm qua đi, liệu bao nhiêu người còn nhớ tới ngôi nhà nằm khuất trong một con ngách nhỏ? Đó chính là điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm.

Anh Thư