Di sản Việt Nam |Số 18|: Tháng 7 thương nhớ anh hùng liệt sĩ

Dọc chiều dài lịch sử, tâm thế ngưỡng vọng, tôn thờ các bậc anh hùng hào kiệt đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, dịp lễ kỉ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ luôn được coi là một khoảng lặng của thời gian. Cách thể hiện lòng tri ân ở khắp mọi miền nhắc cho ta nhớ: Sự thanh bình của đất nước hôm nay đã phải đổi bằng bao nhiêu mất mát, hy sinh.

Một dân tộc mà nền tự do, độc lập được xây bằng máu xương cao cả, thì những không gian tưởng niệm luôn là một phần quan trọng trong đời sống của toàn quân, toàn dân. Những công trình di tích ấy vừa mang giá trị vật thể - với vẻ đẹp kiến trúc giữa thiên nhiên hài hòa, vừa mang giá trị phi vật thể - với ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu sắc. Trong tháng 7 nhớ thương, như là mùa vọng đối với những người chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, chương trình Di sản Việt Nam xin dành để nói về một giá trị vô hình đặc biệt - đó chính là di sản tinh thần của nước nhà.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI DÂNG HƯƠNG TẠI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ QUẢNG NAM

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều 27/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Quảng Nam. Trong không khí xúc động, thiêng liêng, đoàn công tác của Quốc hội cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã dành phút mặc niệm, bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc, tưởng nhớ sự hy sinh và công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Tại Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở thành phố Tam Kỳ, Chủ tịch Quốc hội cũng trang trọng dâng hương, tưởng niệm những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã khuất. Chủ tịch bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những mất mát lớn lao, không gì có thể so sánh được của các mẹ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời và sự cống hiến, hy sinh của các mẹ đã xây nên những tượng đài bất tử trong lòng bao thế hệ nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Nam phát huy hiệu quả giá trị tinh thần của Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, để nơi đây thật sự trở thành công trình mang tầm vóc quốc gia, với ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh sâu sắc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước.

DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ MẶT TRẬN VỊ XUYÊN

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, đoàn công tác đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân những người lính đã anh dũng hy sinh, để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. 

Còn nhớ, tại điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, trong suốt những năm diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (từ 1979 đến 1989), hàng ngàn chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, “Một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm gìn giữ từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở nơi này, trở thành những tấm gương ngời sáng về đức hy sinh cao cả, vì độc lập tự do của Tổ quốc Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT “CÕI THIÊNG ĐỒNG LỘC”

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tối 22/7, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đồng Lộc, Báo Nhân Dân phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”. Chương trình gợi nhớ ký ức tự hào về tầm quan trọng chiến lược của ngã ba Đồng Lộc vào thời điểm vô cùng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây là tuyến đường huyết mạch, vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nên đã trở thành trọng điểm đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ. 

Trong cảm xúc trầm mặc, lắng sâu, chương trình thể hiện khát vọng hòa bình của quân và dân ta; đồng thời bày tỏ tấm lòng tri ân đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã quên mình chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trao nhiều phần quà có ý nghĩa thiết thực cho thân nhân của 10 liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc cùng các gia đình chính sách và hàng chục suất học bổng dành cho các em học sinh nghèo vượt khó.

Di sản tinh thần của chúng ta là lòng tự hào dân tộc, là tình yêu đất nước. Di sản tinh thần cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là văn hóa tri ân. Có thể nói, trên đất nước Việt Nam có những địa danh đặc biệt, mà đôi khi chỉ vừa ghé thăm lần đầu đã cảm thấy thân quen, như thể trong lòng mình từng có một chút kí ức về miền đất ấy. Tự thân mỗi không gian tưởng niệm đều hàm chứa những câu chuyện hồi ức khó quên.

Trong chuyên mục Câu chuyện di sản tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng BTV Hồng Ân gặp gỡ, trò chuyện với khách mời của chương trình - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, nguyên Bí thư Đảng uỷ Mặt trận 479.

Mỗi năm, dịp lễ  kỉ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ là lúc để quân và dân cả nước bày tỏ lòng biết ơn trước những người chiến sĩ đã hy sinh cuộc sống hoặc một phần thân thể vì Tổ quốc. Trải dài trên mọi miền đất nước, các không gian tưởng niệm luôn mang đến cho người dân những cảm xúc nhân văn. Tất cả đều khơi dậy tấm lòng ngưỡng vọng và tinh thần yêu nước của toàn quân toàn dân, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền, giữ vững từng tấc đất và lãnh hải thiêng liêng từ ngàn xưa cha ông ta gửi lại. 

Người Việt chúng ta vốn coi trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nên các di tích lịch sử luôn được coi là nơi chốn thiêng liêng, chứa đựng trong đó những giá trị để tìm hiểu và cảm thụ dài lâu qua năm tháng. Bên cạnh những di tích cách mạng đã được hình thành từ rất lâu, trở thành địa chỉ đỏ vô cùng quen thuộc, cũng có những không gian tưởng niệm mới được xây dựng trong những năm gần đây, song đã phát huy giá trị tinh thần hiệu quả. 

Dịp lễ  kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhóm phóng viên chúng tôi được đồng hành cùng Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM đến dâng hương tại Đền tưởng niệm 99 liệt sĩ tại khu vực ngã 3 Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Đây là công trình được xây nên để tri ân những cán bộ, đội viên thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, đã lên đường làm nhiệm vụ và hy sinh tại mặt trận biên giới Tây Nam rạng sáng 22/7/1978. 

Hàng năm, Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đều tổ chức ngày lễ giỗ chung một cách chu đáo, thành tâm. Trong cảm xúc lắng sâu tình đồng đội, có những giọt nước mắt đã rơi, và có những trang hồi ức dường như bừng sống dậy…

Ông LÊ MINH KHOA, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh: "Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, có hàng ngàn TNXP từ các nông trường đã viết huyết tâm thư, tình nguyện xin ra chiến trường, chủ yếu là phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường dọc theo đường biên giới. Và địa điểm này là nơi đầu tiên TNXP đổ quân để chỉnh trang đội ngũ. Có 99 liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình phục vụ chiến đấu này, hơn 200 người là thương binh. Năm 2009, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Lực lượng có khảo sát và chọn địa điểm này để làm nơi lập khu tưởng niệm liệt sĩ trên diện tích 5,6ha, với nhiều công trình hạng mục."

Chị NGUYỄN THỊ THÙY LINH, Bí thư Đoàn Lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh: "Lực lượng TNXP VN nói chung cũng như lực lượng TNXP TPHCM đã có rất nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân tôi rất là ngưỡng vọng. Tôi cảm thấy sự hy sinh đó rất lớn lao. Chính những không gian tưởng niệm là nơi để cho thế hệ trẻ lắng lại một nhịp, sống chậm lại, để chiêm nghiệm về những công việc mình làm, và thông qua đó để giáo dục truyền thống, thể hiện lòng tri ân thành kính cũng như là trách nhiệm, tinh thần tình nguyện của thế hệ trẻ, để góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cũng như là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh." 

Ông LÊ MINH KHOA, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh: "Tinh thần xung kích của TNXP ở thời kỳ nào cũng vẫn thế. Trong giai đoạn hiện nay, TNXP đang tham gia tích cực ở các lĩnh vực xã hội, chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ TNXP. Hiện nay các trường hợp gia đình có khó khăn về nhà ở cũng được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Và mong muốn rằng trong giai đoạn tới, các chính sách sẽ được chăm lo đầy đủ hơn, nhất là đa dạng các giải pháp trong tổ chức chăm lo, như về nhà ở, về việc làm… Thứ hai, công tác khen thưởng thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các hình thức khen thưởng, để tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Từ cảm xúc tích cực ở những không gian di sản, không gian tưởng niệm trang nghiêm, mỗi tổ chức, cá nhân lại mở rộng suy nghĩ đến những hành động nhân văn tiếp nối. Nhiều năm qua, bên cạnh sự chu đáo, trách nhiệm trong công tác đền ơn đáp nghĩa, vẫn còn đó nỗi niềm trăn trở, day dứt chưa nguôi. Công việc tìm kiếm, qui tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ đã và đang được tiếp nối từ năm này qua tháng khác, chưa bao giờ dừng lại; bởi với mỗi người Việt Nam, di sản tinh thần chính là những giá trị muôn đời.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, nguyên Bí thư Đảng uỷ Mặt trận 479.

Người Việt chúng ta vốn coi trọng nghĩa tình, sống có thuỷ có chung, nên câu chuyện tri ân các anh hùng liệt sĩ, ai ai cũng đã nghe quen, không phải là điều gì mới mẻ. Không mới, nhưng đó là những chuyện đời không bao giờ cũ. Không mới, nhưng đó mãi là giá trị tinh thần sâu sắc, trở thành điểm tựa đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay. 

Đây là những hình ảnh về công việc thường ngày của Đội qui tập K92 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) trên đất bạn Campuchia. Chứng kiện sự tận tâm, tận lòng của họ, càng thấy rõ: Đối với người Việt Nam, có những nhiệm vụ thiêng liêng được thực hiện miệt mài hết năm này qua tháng khác, mà cảm xúc yêu thương, thành kính vẫn luôn đầy. 

Quả thật, hiếm có nơi nào trên trái đất này mà việc tìm kiếm di hài những quân nhân đã hy sinh lại diễn ra bền bỉ, thiết tha trong những tháng năm dài đến thế. Chiến tranh kết thúc, nước nhà thống nhất đã 47 năm, vậy mà có những con người vẫn tự nguyện chọn cuộc sống gian khổ trong rừng. Họ chấp nhận xa gia đình, thậm chí xa Tổ quốc, kiên trì đi sâu mãi vào những cánh rừng xa xôi, cố gạn tìm chút kỉ vật nhỏ nhoi cùng thân thể những người lính năm xưa, dù chỉ còn lại một phần ít ỏi.

Bà LÝ ANH THƯ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang: “Đội K92 và lực lượng tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ ngày đêm luôn làm việc rất cật lực ở bên nước bạn và kể cả trong nước, để tìm kiếm các cô chú trở về nghĩa trang với đồng đội, với gia đình. Trong rừng sâu núi thẳm, điều kiện làm việc hết sức khó khăn. Các chú phải mang vác từng can nước, từng lon nước đi vào rừng sâu làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, những rình rập hiểm nguy luôn đồng hành với các cô chú, nhưng các anh, các chú không lùi bước, vẫn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”

Sau hành trình kéo dài gần 4 tháng, Đội K92 chọn thời điểm gói ghém công việc, trở về quê hương vào một ngày trung tuần tháng 7. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã quan tâm, cử đoàn cán bộ Ban Chuyên trách 515 của tỉnh sang tận Campuchia để thăm hỏi, động viên lực lượng tìm kiếm, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ chân tình của quân và dân nước bạn, sau đó cùng thực hiện nghi thức đón rước hài cốt các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hồi hương qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Sau khi đưa hài cốt 20 liệt sĩ về nước an toàn, tỉnh Kiên Giang lại tiếp tục các bước chuẩn bị cho buổi lễ truy điệu và an táng, diễn ra tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòn Đất vào ngày 25/7. Những mảng công việc được triển khai với qui trình cẩn trọng và hết sức dụng công cho thấy, mỗi hành động trong nghi thức đón các liệt sĩ trở về đất mẹ luôn được biểu hiện như một giá trị tinh thần thiêng liêng. Mộ phần của liệt sĩ được tôn trọng. Di hài của liệt sĩ được nâng niu. Và có những giá trị vô hình cũng được trân trọng nâng niu như thế. Đó chính là ký ức về những người lính năm xưa, còn in sâu mãi mãi trong trái tim của nhân dân và đồng đội.

Bà LÝ ANH THƯ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang: “Trong không khí trang nghiêm và tôn trọng này, thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân đối với các anh hùng đã hy sinh, tôi rất bồi hồi xúc động. Xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các anh hùng liệt sĩ, những người đã quên mình vì đất nước. Các anh đã sống, chiến đấu và làm việc trong gian khổ. Qua đây tôi cũng xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến thân nhân các gia đình liệt sĩ. Xin chia sẻ niềm vui với các gia đình mà đã nhận được người thân của mình; và xin đồng chia sẻ nỗi đau với những gia đình chưa tìm được người thân. Mong muốn trong thời gian sớm nhất, hài cốt của các cô chú liệt sĩ sẽ được quy tập, trở về an táng trên đất mẹ thân yêu, để thêm phần nào ấm lòng cho các gia đình."

Những người chiến sĩ nói chung và các anh hùng liệt sĩ nói riêng đã gửi lại cho thế hệ sau một gia tài văn hóa thật cần thiết và đáng quí. Họ dường như vẫn còn hiện diện trong cuộc sống này, bên những không gian tưởng niệm lưu đọng lại cảm xúc rất thật, rất sâu, với kho tàng di sản tinh thần được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đời đời, Tổ quốc mãi ghi công những người lính đã hóa thân thành sương nắng, đất đai, cây cỏ… Khi vẫn còn những liệt sĩ nằm lại khắp mọi nẻo núi sông, chưa được qui tập trở về với quê cha đất tổ, thì công việc khảo sát, tìm kiếm, cất bốc di hài sẽ còn tiếp tục; để cho đức tin cùng nghĩa cử hy sinh cao thượng vẫn luôn là giá trị bất biến trong cuộc sống hôm nay.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, nguyên Bí thư Đảng uỷ Mặt trận 479.

Trong chuyên mục Bảo vật Quốc gia, chúng tôi xin giới thiệu cùng khán giả một bức tranh đặc biệt, phản ánh khí thế quyết liệt, hào hùng, như là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần Cách mạng. Một hiện vật nguyên gốc và độc bản, được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao. Đó là tác phẩm mang tên “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng. Tác phẩm đã tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ, cổ động tinh thần toàn quân toàn dân ta, đồng thời góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu những giá trị lịch sử căn bản, dẫn đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nằm trong không gian dành cho dòng tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" tạo nên một sự thu hút rất riêng. Thu hút bởi giá trị nghệ thuật và nhân sinh trong từng nét vẽ; thu hút bởi cái tên của tác giả, một cây cọ đứng đầu bộ tứ “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”; và còn thu hút bởi bức tranh đặc biệt này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia từ năm 2013.

Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Bức tranh được công nhận là Bảo vật Quốc gia này tái hiện khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ của các chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường, với 3 nhóm nhân vật chính - phụ đan xen nhau. Trung tâm bố cục là hình 3 chiến sĩ, trong đó một người trên đầu vẫn quấn băng, với khẩu súng trong tay. Nhóm 3 chiến sĩ được liên kết với 2 đồng đội khác bằng cái bắt tay mạnh mẽ. Góc trái của tranh là một chiến sĩ đang dìu một đồng chí thương binh. Hậu cảnh là một chiến sĩ đang hối hả bước đi ra trận. Có thể thấy, bức tranh như một lát cắt của không gian chiến trận, có mất mát, có hy sinh, có quyết tâm và cả một niềm tin vững chãi. Không gian ấy tưởng chừng “tĩnh" nhưng rất "động", với ý nghĩa thiêng liêng của buổi lễ kết nạp Đảng giữa bối cảnh chiến trường."

Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: "Tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" hội tụ những chất liệu quen thuộc về màu sắc. Đó là gam màu đất đỏ gợi nhớ những "chiến hào giao thông"; màu từ những khoảng máu trên vết thương nơi chiến trường khốc liệt; màu của những khoảng da dãi dầu sương gió nắng; và trên hết là màu của ngọn lửa ý chí bốc cao ngùn ngụt, bất chấp bão đạn mưa bom. Sẽ không quá khi ghi nhận tác phẩm kinh điển này là bản hùng ca của dân tộc về giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần Cách mạng cao cả và lẫm liệt."

Có thể nói, sức sống của bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế, khi họa sĩ Nguyễn Sáng tham gia Cách mạng. Sinh thời, ông từng nói: “Có Tổ quốc mới có nghệ thuật! Mất nước, mất tự do là mất tất cả!”. Chính những giá trị tinh thần cao cả của dân tộc đã cho ông nguồn cảm xúc lắng sâu, để biến tháng ngày đau thương trên chiến trường thành khoảnh khắc thăng hoa trong nghệ thuật.

Nếu như ở phóng sự trước, khán giả được đồng hành với hành trình vất vả của Đội qui tập K92 tỉnh Kiên Giang - hành trình đưa hài cốt chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam từ Campuchia về nước thì trong chuyên mục Nơi này năm xưa, chúng ta sẽ cùng nhóm phóng viên di chuyển theo chiều ngược lại. Hãy cùng đến với ngôi làng giáp theo đường biên giới của nước bạn Campuchia! 

Đây là con đường dẫn tới xã Ko-Ki-Som, huyện Svay Tiếp, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia. Dịp lễ kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, nhóm phóng viên chúng tôi tìm đến, để tìm hiểu câu chuyện về sự hy sinh đầy đau xót của một tập thể bao gồm 24 đồng chí thanh niên xung phong, đã lên đường từ TPHCM đến làm nhiệm vụ tại biên giới Tây Nam năm 1978. 

Một chuyến tác nghiệp đọng lại nhiều cảm xúc, giúp chúng tôi hiểu thêm về một nơi chốn hoang tàn, đau thương trong quá khứ - nơi mà bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng thanh niên xung phong đã xả thân giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng tàn bạo của quân Pôn Pốt - Iêng-Sary. Đến năm 2012, nhóm cựu chiến binh Đoàn 584 (mà chủ công là ông Vũ Đức Hân, Trưởng Ban liên lạc) đã đóng góp và vận động kinh phí xây nên Nhà tưởng niệm trên mảnh đất - nơi những cán bộ, đội viên thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM đã hy sinh. 

Mới thấy, dù là không gian tưởng niệm ở qui mô lớn lao hay nhỏ bé, dù được xây dựng bằng kinh phí của Nhà nước hay của nhân dân, tất cả đều khơi dậy khát vọng hòa bình và nghĩa tình đồng đội thiêng liêng. Trong một không gian tưởng niệm trang nghiêm, ai cũng nghe lòng mình lắng lại trước những tình tiết nghẹn ngào, được ôn lại từ hồi ức thẳm sâu thương nhớ trong trái tim các cựu chiến binh. Bởi hình ảnh ấy, trang đời ấy, những ai đã từng trải nghiệm làm sao quên được!

Thiếu tướng NGUYỄN NGỌC DOANH, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4: "Khi anh em quay lại, đồng chí Hân, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 165 quay lại thì các đồng chí này hy sinh hết rồi. Hy sinh một cách rất thảm thương. Nó vào, đàn ông con trai thì nó đập đầu, còn con gái, hà hiếp xong thì nó rạch bụng, mổ bụng."

Ông VŨ ĐỨC HÂN, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Đoàn 584 tại TP Hồ Chí Minh: ''Khi chúng tôi sang, tấn công đến chỗ mà Pôn Pốt nó tập trung hãm hiếp anh chị em TNXP thì tôi là người chỉ huy trực tiếp. Chúng tôi phải đưa những đồng đội của chúng tôi xuống dưới suối để tắm rửa sạch sẽ, nhét ruột vào, xếp thành từng hàng, rồi phải vuốt mắt cho từng người một. Cho nên chúng tôi luôn ám ảnh cái tình cảm đó và năm nào cũng phải tổ chức sang bên đó để thắp nén hương.''

Thiếu tướng NGUYỄN NGỌC DOANH, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4: ‘’24 đồng chí nam nữ thanh niên xung phong này hy sinh thì chúng tôi cảm thấy như ở phía Tây Nam có một Đồng Lộc, một ngã ba Đồng Lộc.''

Đối diện với 2 căn hầm nhỏ nhắn, nơi trú ẩn của các đội viên thanh niên xung phong khi làm nhiệm vụ, chúng tôi càng xúc động và cảm kích trước câu chuyện nhân văn về người chủ đất - một ông giáo nghèo Campuchia - đã tự nguyện hiến mảnh đất vườn nhà để xây nên công trình tưởng niệm khiêm nhường này, qua đó bày tỏ tình cảm với các liệt sĩ và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Bên miệng hầm vương vấn khói nhang ấm áp, những phóng viên trẻ như chúng tôi được sống trong “khoảng lặng”, để những bộn bề của cuộc sống hôm nay không làm khuất lấp đi giá trị trong sáng, đẹp đẽ còn lại từ hôm qua.

Ông BRÁC XÔ RÊNG, xã Kokisom, huyện Svay Tiếp, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia: ‘’Chúng tôi, cả thế hệ trước và thế hệ sau đều yêu mến người Việt, đều gắn bó với người Việt Nam. Mặc dù các liệt sĩ TNXP đã được đưa về an táng tại Tây Ninh, song đây vẫn là mảnh đất ghi nhớ sự việc họ hy sinh. Khi tôi xin hiến mảnh đất này thì tôi thấy mình được thoả nguyện cả về mặt tâm linh và tình cảm.''

Cuộc sống đã hồi sinh. Ở ngôi làng hoang lạnh, từng bị quân Pôn Pốt tàn sát nặng nề năm xưa, giờ cây cối đã trổ lên mầm mới. Những đồng chí TNXP ngày nào hy sinh nát tan thi thể cũng đã được trân trọng đưa về an táng trên đất mẹ Việt Nam. Đến thăm lại làng Koksom để ta không quên lãng, rằng trong những tháng ngày đau thương khốc liệt, đội hình TNXP đã phối hợp sát cánh với bộ đội chính qui, cùng chiến đấu, cùng hy sinh, và để lại tuổi thanh xuân mãi mãi ở nơi này.

Di sản tinh thần của chúng ta là lòng tự hào dân tộc, là tình yêu đất nước. Di sản tinh thần cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là văn hóa tri ân. Khi những giá trị tinh thần cao đẹp đã ngấm ở trong tâm và có thể thăng hoa ở trong lòng, thiết nghĩ đó cũng là một giá trị phi vật thể!

Thiện Đoan