Điểm báo ngày 8/03: Bộ Y tế thay đổi Bản tin đếm ca nhiễm Covid-19

Bộ Y tế thay đổi "Bản tin đếm ca" nhiễm Covid-19; Đối phó khi giá xăng dầu liên tiếp cán mốc lịch sử; Sản xuất ô tô Việt Nam thua Thái Lan vì nhập khẩu linh kiện quá lớn; Nguy hiểm từ việc để lộ, lọt thông tin cá nhân trên internet... là những tin tức đáng chú ý đăng tải trên các báo sáng ngày 8/03/2022.

Thay đổi Bản tin đếm ca Covid-19

Theo Bộ Y tế, hiện nay 63 tỉnh thành đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch. Như vậy, có thể hiểu là ngành y tế vẫn đếm ca nhiễm mới để phòng chống dịch nhưng sẽ không còn công bố con số này nữa. Trên báo Tuổi trẻ có bài viết phân tích về nội dung này.

Theo bài viết, trên thực tế, số ca nhiễm mới là một trong những chỉ số đáng chú ý nhất khi đánh giá cấp độ dịch, Giả sử, tới đây không còn cập nhật công bố số ca nhiễm mới, thay vào đó là cập nhật bảng màu cấp độ dịch, thử hỏi trong 2 chỉ số "bản đồ màu cấp độ dịch" và "số ca mới hằng ngày", chỉ số nào gây ấn tượng và tác động mạnh đến ý thức trong phòng chống dịch của người dân hơn? Cũng theo bài viết, hãy xác định hình thức công bố phù hợp về tình hình dịch bệnh để có thể lưu ý, nhắc nhở người dân tiếp tục tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Những nội dung thông tin chí ít cũng phải có tác động đến tâm lý người dân ngang ngửa như những con số ca nhiễm mới đã phát huy tác dụng trong 2 năm qua.

Đối phó khi giá xăng dầu liên tiếp cán mốc lịch sử

 Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, sản xuất, của người dân. Trên nhiều tờ báo đã có bài viết phản ánh về vấn đề này.

Trên báo lao động có bài viết: Đối phó khi giá xăng dầu liên tiếp cán mốc “kỷ lục lịch sử”, bài viết đưa ra dẫn chứng việc Grab đã chính thức thông báo về việc điều chỉnh giá cước. Vận tải và lương thực thực phẩm là hai trong số 10 mặt hàng đã tăng vọt trong số hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng tháng vừa qua. Bão giá đã đến, nhưng nếu không có biện pháp giảm giá xăng dầu kịp thời, nó sẽ trở thành cuồng phong.

 Trên báo Kinh tế và đô thị cũng có bài viết phản ánh  trong "cơn bão" giá xăng, các làng nghề, Hợp tác xã càng thêm nặng gánh. Sau khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp, HTX đang căng mình ổn định sản xuất. Dù xác định phải linh hoạt theo kinh tế thị trường, song sự biến động của giá vật tư nông nghiệp và nhiên liệu, buộc những doanh nghiệp, HTX đang phải “liệu cơm gắp mắm” để tiếp tục tồn tại và cố gắng phục hồi sau đại dịch.

 Còn bài viết trên báo Dân trí cho biết Giá dầu tăng cao khiến chi phí cho mỗi chuyến biển tăng theo. Nhiều ngư dân sợ thua lỗ nên phải neo thuyền tại bến chờ giá dầu "hạ nhiệt".  Nếu như trước kia, một chuyến biển phí tổn khoảng 300 triệu đồng, nhưng đến nay tăng lên 360-370 triệu đồng. Giá dầu tăng, cùng với các chi phí khác nữa khiến mỗi chuyến biển hao tổn quá nhiều. Trong khi đó, sản lượng, giá cả hải sản lại đang giảm.

 Sản xuất ô tô Việt Nam thua Thái Lan vì nhập khẩu linh kiện quá lớn 

 Đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ tại bài viết cho rằng, sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia nên rất khó để nội địa hóa do thiếu quy mô sản xuất tập trung. Hiện ở Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp cung ứng tuyến dưới, trong khi Thái Lan là hơn 3.000 doanh nghiệp. Ở Việt Nam vẫn cần nhập khẩu từ 80-85% linh kiện cho sản xuất xe ô tô trong nước, trong khi Thái Lan chỉ nhập khẩu 10%. “Việt Nam đang yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ... những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện tăng cao”.

Nguy hiểm từ việc để lộ, lọt thông tin cá nhân trên internet

  Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện  hơn. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác và sơ hở của người sử dụng mạng internet nhằm đánh cắp các thông tin cá nhân để hoạt động phạm pháp. Bài viết trên báo Nhân dân.

 Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trong tay và một vài thao tác đơn giản là người dùng có thể thỏa mãn việc chia sẻ niềm vui lên mạng xã hội là có được “thẻ xanh”. Tuy nhiên, đằng sau việc chia sẻ này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân do có hình ảnh mã QR.  Theo cơ quan công an, hiện tại có rất nhiều app công nghệ cho vay tiền trực tuyến (online), chỉ cần chụp hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Nắm được sơ hở này, các đối tượng xấu thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt./.