Điểm báo 12/4: Siết quản lý, bình ổn thị trường vàng

Siết quản lý, bình ổn thị trường vàng; Gỡ nút thắt nhà ở xã hội; Mặt trái của phân luồng vào cấp 3; Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo dịp nghỉ lễ;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 12/4.

 SIẾT QUẢN LÝ, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG VÀNG (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Theo báo Kinh tế và đô thị, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa kiểm tra nhiều cửa hàng buôn bán vàng ở các địa phương và phát hiện không ít vi phạm, chủ yếu về nhãn hàng hóa, niêm yết giá không rõ ràng, vi phạm điều kiện kinh doanh, không rõ nguồn gốc.

“Siết quản lý, bình ổn thị trường vàng” là bài viết trên báo Kinh tế và đô thị. Nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu từ mua đi bán lại và lượng vàng DN mua trôi nổi trên thị trường, trong đó bao gồm cả vàng nhập lậu. Vậy số vàng lậu đang được hợp thức hóa như thế nào trong bối cảnh thị trường vàng đang được quản lý chặt chẽ? Theo Kinh tế và đô thị, Các đối tượng mua vàng lậu sẽ nấu chảy thành vàng nguyên liệu, không để lại chút dấu vết nào, trở thành nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi tuồn vào các xưởng chế tác, từ đó sẽ ra đời một sản phẩm vàng mới, có dấu vàng mới, “thoát xác” hoàn toàn khỏi mác vàng lậu.

GỠ NÚT THẮT NHÀ Ở XÃ HỘI (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Theo báo Đại đoàn kết, Luật Nhà ở 2023 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ là một trong những công cụ quan trọng để gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, giúp cải thiện nguồn cung phân khúc này.  

Luật Nhà ở 2023 đã khắc phục được phần lớn các điểm bất cập trước đó. Cụ thể, trong khu công nghiệp sẽ có nhà ở lưu trú cho công nhân; cho phép doanh nghiệp được mua hoặc thuê nhà cho công nhân ở... Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nhà ở xã hội thu hút người lao động của các địa phương hiện nay. Báo Đại đoàn kết cũng trích dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, phải đến năm 2025 thì những khó khăn đối với NOXH mới có thể giải tỏa. Vấn đề khiến nguồn cung không thông, các chủ đầu tư không bán được nhà ở không phải do không có cầu, mà vấn đề chính là vướng ở chính sách. 

MẶT TRÁI CỦA PHÂN LUỒNG VÀO CẤP 3 (NÔNG THÔN NGÀY NAY)

Mấy năm gần đây, việc phân luồng học sinh vào lớp 10 trở thành chủ đề gây tranh cãi. Nhiều phụ huynh cho biết, nhà trường liên tục ép học sinh và cha mẹ ký đơn không được thi vào lớp 10, chỉ như vậy mới có bảng điểm đẹp để xét học bạ vào các trường tư thục, trường nghề. Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay.

Hiện nay đang có 2 luồng tranh cãi: Nhiều người cho rằng, giáo viên, nhà trường nên để cho phụ huynh, học sinh tự quyết định lựa chọn việc thi hay không thi vào lớp 10 công lập. Ngược lại, cũng có ý kiến cho biết, học sinh và phụ huynh không hiểu rõ năng lực, không biết định hướng nghề nghiệp nên để giáo viên, nhà trường tư vấn là đúng, tránh tốn tiền, tốn công sức, gây áp lực. Theo Nông thôn ngày nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, không nên định hướng dựa vào điểm số. Phụ huynh không đủ kỹ năng và kiến thức để định hướng. Giáo viên thì mặc định dựa vào điểm số chứ không phải năng lực và mong muốn của đứa trẻ. Cả xã hội cần chung tay định hướng cho các học sinh. 

CẨN TRỌNG CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO DỊP NGHỈ LỄ (GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI)

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến gần, do vậy nhu cầu đi du lịch của nhiều người tăng mạnh. Nắm bắt điều này, không ít kẻ gian đã lợi dụng tâm lý ham rẻ, thậm chí là thiếu kinh nghiệm của người dân để lừa đảo. Bài viết trên báo Giáo dục và thời đại.

Trong dịp lễ, nhu cầu đi nghỉ dưỡng, du lịch dài ngày cao đã khiến cho nhiều địa điểm du lịch trở nên “sốt” khách. Theo báo Giáo dục và Thời đại, Từ nhu cầu đông đảo của người dân, một số đối tượng lừa đảo đã thu lợi từ giao dịch online của khách hàng thông qua việc lừa đặt tour du lịch, vé, phòng… Gặp phải những đối tượng lừa đảo mùa nghỉ lễ, nhiều du khách chỉ biết “ngậm trái đắng” vì vừa mất tiền, vừa lỡ mất thời gian nghỉ ngơi đã chuẩn bị từ trước. Vì vậy, cần tỉnh táo trước yêu cầu đặt cọc giữ chỗ cũng như cần trang bị cho bản thân những kỹ năng giao dịch online để tránh rơi vào “bẫy” của các chiêu trò lừa đảo trên mạng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam