Điểm báo 16/12: Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội

Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội; Làm gì để công nhân có Tết?; Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi thống nhất lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 16/12/2022.

ĐỀ XUẤT BỎ QUY ĐỊNH DÀNH 20% QUỸ ĐẤT XÂY NHÀ Ở XÃ HỘI

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Báo Kinh tế và Đô thị có bài viết bình luận vấn đề này.

Ngay lập tức thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với quan điểm trên nhưng vẫn cho rằng, cần có quy định cụ thể đối với dự án nhà ở thương mại về việc trích một khoản kinh phí nhất định dùng để phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, cơ quan chức năng hoặc cơ quan chủ quản chủ động trong việc quy hoạch khu nào là nhà ở xã hội, khu nào là nhà ở thu nhập thấp, như vậy sẽ tốt hơn cho người dân.

LÀM GÌ ĐỂ CÔNG NHÂN CÓ TẾT?

Mất việc, nghỉ không hưởng lương; tạm hoãn hợp đồng lao động … là tình cảnh mà hơn 400.000 lao động trên cả nước đang phải hứng chịu. Nếu không có những giải pháp gỡ khó kịp thời, hữu hiệu, thì người lao động mất Tết sẽ hoàn toàn là thực tế hiện hữu. Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay.

Theo báo Nông thôn ngày nay, dù khó khăn do không có đơn hàng là tình hình chung của ngành giày da, may mặc, chế biến gỗ... nhưng các doanh nghiệp vẫn xoay xở để bằng mọi cách có lương, thưởng cho người lao động. Tết Nguyên đán đang đến thật gần, người lao động rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để "không ai bị bỏ lại phía sau". Năm 2023 được dự báo, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn gặp rất khó khăn, nên doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp, đồng lòng chung sức để vượt qua khó khăn với những giải pháp thực tế và dài hơi hơn.

HIỆP HỘI NGÂN HÀNG KÊU GỌI THỐNG NHẤT LÃI SUẤT HUY ĐỘNG TỐI ĐA 9,5%/NĂM

Vừa qua, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn. Thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải.

Theo Vietnamnet, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng hội viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất), nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Mặc dù áp lực tăng lãi suất từ thế giới là không nhỏ, nhưng đại diện nhiều ngân hàng tham gia hội nghị cũng thống nhất sẽ cố gắng kiềm chế đà tăng của lãi suất. Tuy nhiên, để có thể tránh tình trạng cạnh tranh lãi suất tiền gửi và có đủ nguồn vốn cho cung ứng tín dụng thì nhiều ý kiến đề xuất cần có những giải pháp hỗ trợ thanh khoản với kỳ hạn dài hơn từ 2 - 3 tháng.

KHẢ QUAN DÒNG KIỀU HỐI

Năm 2022 là năm các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi sau đại dịch Covid -19, điều này sẽ giúp cho người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào thu nhập ổn định trở lại và có thể tăng lượng kiều hối gửi về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về nước vào dịp Tết thường tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết dương lịch, kiều bào cũng sẽ gửi tiền về sớm cho người thân. Tuy có những yếu tố lo ngại lạm phát cao ở các quốc gia này, song lượng kiều hối năm 2022 dự báo tiếp tục khả quan. Theo báo đại đoàn kết, người Việt ở nước ngoài liên tục gửi tiền về nước là một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần nhiều vốn đầu tư.