Điểm báo ngày 20/03: Tăng thời gian làm thêm giờ - hài hòa lợi ích

Tăng thời gian làm thêm giờ - hài hòa lợi ích; Người dân thắt lưng buộc bụng trong những ngày bão giá xăng; Lạm phát tăng trưởng nóng trong cơn “bão giá” hàng hóa toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra ngày 20/03/2022.

TĂNG THỜI GIAN LÀM THÊM GIỜ - HÀI HÒA LỢI ÍCH

Trên báo Đại biểu nhân dân có bài viết đáng chú ý với tiêu đề “Tăng thời gian làm thêm giờ - hài hòa lợi ích”. Bài viết trích dẫn ý kiến đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận định, Trong 2 năm qua người lao động bị giãn cách việc làm, nhu cầu làm thêm để có thu nhập là rất chính đáng. Đồng thời, tăng giờ làm thêm sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm chuỗi cung ứng. Đây được xem là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Điều đáng nói, việc làm thêm giờ là không bắt buộc nếu người lao động có đủ sức khỏe và đủ nhu cầu thì nên cho làm. Do đó, việc điều chỉnh quy định về làm thêm giờ chính là giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn lao động, tạo đà tăng tốc phục hồi.

TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG TRỤC LỢI ĐỀN BÙ

Cao tốc Bắc - Nam đang được đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên tình trạng một số người cố tình xây dựng công trình trái phép, trồng cây trên phần đất sẽ được thu hồi nhằm trục lợi kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng lại tái diễn. Bài viết phán ánh vấn đề này trên báo Thanh niên. Trên thực tế, Tình trạng cố tình vi phạm xây dựng để trục lợi khi bị phát hiện, chính quyền các địa phương thường yêu cầu tháo dỡ, hoàn trả nguyên trạng. Thế nhưng giải pháp này chưa đủ sức răn đe, nên mới có tình trạng tái đi tái lại như nói trên. Chưa kể nhiều người khi bị phát hiện còn cố tình chây ì, gây rối không chịu tháo dỡ. Vì vậy, cần có những biện pháp khoa học và cứng rắn hơn. Cũng theo bài viết, nếu ngay từ đầu đã rõ ràng, công khai thì người dân sẽ hiểu rằng trục lợi không được mà còn thiệt hại tiền của bỏ ra xây dựng trái phép và có thể đối diện với việc bị xử phạt. Từ đó, hạn chế được tình trạng cố tình vi phạm đang có dấu hiệu tái phát và lan rộng hiện nay.

NGƯỜI DÂN 'THẮT LƯNG BUỘC BỤNG' TRONG NHỮNG NGÀY “BÃO” GIÁ XĂNG

Hiện nay nhiều mặt hàng thiết yếu của người dân đang bị tăng giá một cách chóng mặt. Trong khi đó, việc thu nhập giảm vì tình hình dịch bệnh dẫn đến sức mua yếu đi. Những suất cơm hộp văn phòng đối với một số người cũng trở nên “xa xỉ” hơn trước. Bài viết trên báo Đại đoàn kết. Việc giá xăng trong nước tăng liên tiếp 7 lần kể từ tháng 12/2021 dẫn đến giá thành vận chuyển, sản xuất tăng và nhiều đợt tăng giá kéo theo. Đặc biệt trong bối cảnh đồng lương của người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên sức mua yếu đi. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ giảm sâu so với thời kỳ sôi nổi trước dịch. Điều này sẽ tác động lâu dài, âm ỉ đến cả năm 2022 nếu giá xăng còn tiếp tục tăng. Không chỉ là người dân, các doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá xăng tăng cao khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên, sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài không còn nhiều trong khi sức mua của dân bị yếu đi. Cũng theo bài viết, giá cả hiện nay cần phải được kiểm soát tốt hơn trước khi vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, đặc biệt là giá xăng.

“BÃO GIÁ” BỦA VÂY, KÊNH ĐẦU TƯ NÀO ĐANG HẤP DẪN?

Lạm phát tăng trưởng nóng trong cơn “bão giá” hàng hóa toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tìm kênh trú ẩn an toàn. Trên báo điện tử Vov có bài viết phân tích về nội dung này. Theo bài viết Trước biến động mạnh về giá cả, nhiều nhà đầu tư rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, chứng khoán… để tìm đến các kênh đầu tư an toàn khác như trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm…Đối với kênh tiền gửi ngân hàng, mặc dù lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng từ nay đến cuối năm nhưng kênh tiết kiệm vẫn chưa thực sự hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất huy động được dự báo vẫn duy trì mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng, phù hợp với những nhà đầu tư có “khẩu vị” rủi ro thấp. Xu hướng dòng tiền đầu tư đang đổ mạnh vào bất động sản dù giá nhà, đất hiện nay được đánh giá là đang ở mức cao.

ĐỀ XUẤT 1 SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ DU LỊCH PHỤC HỒI, "CẤT CÁNH" SAU 2 NĂM DỊCH BỆNH

Các Đại sứ, Trưởng Đại diện cơ quan Việt Nam tại nước ngoài đều chung quan điểm rằng, đây chính là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và "cất cánh" sau hai năm "đóng băng" vì dịch bệnh. Bài viết trên báo lao động. Bài viết trích dẫn ý kiến Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, du khách Mỹ luôn coi Việt Nam là một điểm du lịch hấp dẫn xét từ thắng cảnh, du lịch, ẩm thực, văn hóa, lịch sử. Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp Mỹ từ góc độ một nền kinh tế năng động, một thị trường tiềm năng cho đầu tư kinh doanh. Sau khi mở cửa du lịch trở lại, du lịch Việt Nam cần bám sát các xu hướng du lịch mới sau đại dịch như du lịch xanh, bền vững, xử lý công nghệ thông tin, du lịch an toàn, các cơ sở dịch vụ chú ý nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo an toàn phòng tránh dịch, các chương trình khuyến mại ưu đãi thu hút du khách quốc tế và các công ty lữ hành nước ngoài.