Điểm báo 21/08: Xuất khẩu lao động: Người có trình độ vẫn chưa được quan tâm

Xuất khẩu lao động: Người có trình độ vẫn chưa được quan tâm; Nợ xấu ám ảnh ngân hàng; Chuyển đổi số để xoá đi sự mù mờ trong sản xuất nông nghiệp; “Giải cứu” gói hỗ trợ lãi suất...là những tin tức nổi bật trên các mặt báo sáng 21/8.

 XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG: NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ VẪN CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM

Cần tăng tỉ lệ người có trình độ cao đi làm việc tại nước ngoài. Thậm chí, cần “đón lõng” sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng để họ nâng cao năng lực ngoại ngữ, tiếp cận trình độ kỹ thuật quốc tế. Thông tin đăng tải trên báo Giáo dục và Thời đại

Thực tế hiện nay chỉ ra tới 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Xuất khẩu lao động nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài. Theo các chuyên gia đưa ra, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đóng vai trò then chốt, yêu cầu các công ty đưa người đi và doanh nghiệp của nước ngoài xây dựng kho dữ liệu về lao động. Ngoài ra, lao động đi làm việc cần có mã định danh, thể hiện những thay đổi trong quá trình làm việc và cập nhật liên tục nếu có thay đổi.

NỢ XẤU ÁM ẢNH NGÂN HÀNG

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, song nợ xấu có dấu hiệu tăng mạnh ở hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn. 

Theo bài viết trên báo Đại Đoàn Kết, mặc dù ổn định tài chính nhìn chung được đảm bảo, nhưng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là một quan ngại và cần phải liên tục theo dõi. Tín dụng tiêu dùng có vẻ xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng tăng vọt lên đến 9,6% trong năm 2021 so với 5,5% trong năm 2020. Vốn mỏng ở các ngân hàng và tỷ lệ dự phòng khác nhau (bình quân 142% nợ xấu trong tháng 12/2021 nhưng có thể thấp đến 35% ở một số ngân hàng) tiếp tục là vấn đề quan ngại. Như vậy, các ngân hàng đã phải duy trì nợ xấu ở mức cao hơn đáng kể, đặc biệt là khi giai đoạn thực hiện các biện pháp giãn thời gian trả nợ kết thúc vào tháng 6/2022.

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ XOÁ ĐI SỰ MÙ MỜ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Xây dựng thương hiệu nông sản trên bản đồ chuyển đổi số để tiến tới minh bạch, tích hợp hình ảnh, cảm xúc, truyền thông đa phương tiện vào sản phẩm.…Đây là nội dung chính trong bài viết “Chuyển đổi số để xoá đi sự mù mờ trong sản xuất nông nghiệp” trên tờ Vneconomy.

Cụ thể như: Chuyển đổi số từ hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi đến Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… Theo đánh giá, nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao rất nhiều. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn. Đồng thời, hệ thống tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đi vào hoạt động sẽ giúp kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác...

“GIẢI CỨU” GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT

Theo tờ Thanh niên, sau 3 tháng Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp được ban hành, kết quả thực hiện quá ít không chỉ khiến doanh nghiệp sốt ruột mà Chính phủ cũng phải vào cuộc, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số đoàn công tác để tiến hành khảo sát tình hình triển khai.

Tổng hợp từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đến nay đạt gần 4.100 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng và số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỉ đồng. Một con số quá thấp nếu so với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỉ đồng. Ngân hàng nhà nước cũng thừa nhận sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân cũng giống như các gói hỗ trợ, ưu đãi trong thời gian qua. Đối tượng được hưởng đa phần không đáp ứng được các thủ tục để vay. Nhiều chuyên gia đề nghị cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ LS 2%. Chẳng hạn nên quy định cho phép các DN nếu không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm.