Điểm báo 22/8: Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm nhiệt nhưng chưa như kỳ vọng

Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm nhiệt nhưng chưa như kỳ vọng; Cần tập trung vào nguồn nhân lực có chất lượng; Gian nan khi chưa quản được thu – chi; Hàng Việt vào siêu thị ngoại: Còn nhiều trở ngại ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 22/8/2022.

GIÁ NHIỀU MẶT HÀNG TIÊU DÙNG GIẢM NHIỆT NHƯNG CHƯA NHƯ KỲ VỌNG

5 lần giá xăng dầu giảm liên tục kể từ đầu tháng 7/2022 đến nay đã giúp chặn đà tăng giá tiêu dùng, trong đó nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã giảm giá. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng, dịch vụ, đặc biệt là cước vận tải vẫn chưa giảm như kỳ vọng. Thông tin mới nhất được đăng tải sáng nay trên Thời báo Tài chính Việt Nam. 

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế và cảm nhận của người tiêu dùng, với việc giá xăng giảm sâu đến hơn 8.000 đồng/lít trong thời gian qua, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ, đặc biệt là cước vận tải vẫn chưa giảm giá như kỳ vọng. Về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, giá cước vận tải là một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành chi phí giá của tất cả các hàng hóa khác. Chính giá cước giảm chậm đã khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống dân sinh, thậm chí rau cỏ ngoài chợ cũng vin vào lý do này không giảm theo. Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải rà soát các chi phí cấu thành giá, kê khai giảm giá cước.

CẦN TẬP TRUNG VÀO NGUỒN NHÂN LỰC CÓ CHẤT LƯỢNG

Một trong những tin tức nổi bật được đăng tải trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị sáng nay, đó là thay vì đưa nhiều người lao động trình độ phổ thông ra nước ngoài làm công việc giản đơn, Nhà nước tăng dần tỷ lệ kỹ sư, chuyên gia. Nhà nước cũng cần có chương trình mục tiêu quốc gia đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để nâng chất lượng nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, đa số người lao động trong nước ra nước ngoài chủ yếu làm công việc giản đơn. Trong khi nước ta đang hướng tới lao động chất lượng cao, lao động là học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc sau đó quay trở về phát triển kinh tế. Các chuyên gia cho rằng cần phải xoay chuyển mục tiêu đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, trước đây chủ yếu là tăng thu nhập, cải thiện kiến thức. Nhưng bây giờ, mục đích lớn quan trọng nhất là tiếp thu kiến thức quản lý, trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc... để chuẩn bị cho tương lai phát triển nghề nghiệp của họ sau khi trở về. Và Nhà nước nên phân luồng một tỷ lệ nhất định số sinh viên tốt nghiệp đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo năng lực ngoại ngữ, chuyên môn thì bài toán về đưa người lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài mới được giải. 

GIAN NAN KHI CHƯA QUẢN ĐƯỢC THU – CHI

Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện. Lý do chính là các chính sách hiện thời đang “bó chân, bó tay” hoạt động của bệnh viện dẫn đến thu không đủ chi…. Thông tin được đăng tải trên trang nhất báo Nông thôn Ngày nay số ra sáng nay.

Theo đại diện Bệnh viện (BV) Bạch Mai, nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Ngoài ra, hiện BV cũng không được quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Do đó, muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho xứng với “đồng tiền bát gạo” và tăng nguồn thu thì BV cũng không làm được. Bên cạnh đó, nhiều người lo lắng nếu “thả lỏng” để BV tự chủ tự định giá dịch vụ y tế thì sẽ có sự tăng giá bất thường, khiến người bệnh chịu thiệt thòi… Do đó, một số chuyên gia y tế cho rằng không thể áp dụng mô hình tự chủ BV một cách máy móc. Ngay cả việc tự chủ một phần cũng cũng phải xét tùy điều kiện một số BV, BV đủ mạnh mới có thể tự chủ chứ không thể tự chủ tràn lan được.

HÀNG VIỆT VÀO SIÊU THỊ NGOẠI: CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI

Những năm qua, hàng hóa Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu, rộng vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần vượt lên nhiều trở ngại, hàng hóa xuất khẩu trong nước cần cải thiện nhiều mặt để tăng tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp qua các siêu thị nước ngoài.

Bộ Công Thương cho biết, hiện có hàng nghìn doanh nghiệp Việt đã kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài. Và hàng Việt hiện diện tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, nhỏ khắp thế giới được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Tuy hàng Việt đã thâm nhập vào nhiều hệ thống siêu thị ở nước ngoài, song theo các chuyên gia, để mở rộng thị phần và tăng diện bao phủ, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phải vượt lên nhiều trở ngại. Cụ thể, nếu phát hiện vi phạm về vệ sinh, an toàn thì nông, thủy sản, thực phẩm… ,nhập khẩu sẽ bị tiêu hủy, các lô hàng nhập khẩu tiếp theo sẽ chịu sự kiểm tra gắt gao. Do vậy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm phải luôn bảo đảm chất lượng, thương hiệu. Đồng thời, hàng xuất khẩu cần đa dạng về khẩu vị, mẫu mã.