Điểm báo 3/6: TP.HCM: Nhiều bác sĩ đồng loạt xin nghỉ việc ở bệnh viện công vì thu nhập thấp

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều bác sĩ đồng loạt xin nghỉ việc; Thu ngân sách dự báo có nhiều yếu tố không thuận lợi; Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngân hàng thương mại đầu tư trái phép doanh nghiệp; Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm cấp giấy đi đường đợt dịch Covid-19 gây lãng phí... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng 3/6.

NHIỀU BÁC SĨ ĐỒNG LOẠT XIN NGHỈ VIỆC Ở BỆNH VIỆN CÔNG VÌ THU NHẬP THẤP

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế của bệnh viện công thành phố nghỉ việc là 701 người. Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức bỏ ra đang là một trong những nguyên nhân chính khiến bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc. Bài viết trên báo Lao động.

Báo Lao động đề cập, Theo sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân lớn khiến số lượng nhân viên y tế công nghỉ việc là do khi dịch Covid-19 diễn ra, khối lượng công việc lớn nhưng mức lương không tương xứng công sức nhân viên y tế bỏ ra, thậm chí là giảm lương khiến nhiều người không cầm cự nổi.  Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng chảy máu chất xám xảy ra đã được thành phố lường trước sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều quan trọng là chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công vẫn còn thấp. 

DỰ BÁO NHIỀU YẾU TỐ KHÔNG THUẬN ẢNH HƯỞNG THU NGÂN SÁCH

Thu ngân sách nhà nước trong tháng 5/2022 giảm 68 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Đồng thời, thời gian tới dự báo có nhiều yếu tố không thuận ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam.

Thời báo Tài chính Việt Nam bình luận, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, buộc nhiều nước phải điều chỉnh thắt chặt chính sách tiền tệ, việc thực thi chính sách phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine đã và đang khiến cho việc cung ứng các mặt hàng nhiên liệu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào khó khăn. Yếu tố nêu trên Kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tiếp theo. 

THANH TRA NHIỀU NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Lo ngại rủi ro gây mất an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng khi liên tục mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành thanh tra nhiều ngân hàng thương mại đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải sáng nay.

Theo báo Tiền phong và báo điện tử Dân trí, NHNN đã yêu cầu cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thực trạng và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng. Theo đó, có 8 ngân hàng thương mại, gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank bị thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đây là hoạt động thanh tra chuyên ngành, nhằm mục đích phát hiện những sơ hở trong quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Theo hồ sơ của Tiền Phong, lượng TPDN các ngân hàng hay công ty chứng khoán đầu tư hầu hết là trái phiếu được bảo đảm bằng chính cổ phiếu doanh nghiệp.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI "TRUY" TRÁCH NHIỆM VỤ CẤP GIẤY ĐI ĐƯỜNG ĐỢT DỊCH COVID-19 GÂY LÃNG PHÍ

 Sáng nay nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo đó, một trong những vấn đề được nhiều báo quan tâm, đó là câu chuyện Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm vụ cấp giấy đi đường đợt dịch Covid-19 gây lãng phí. 

Báo Giao thông trích dẫn ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, vào những tháng cuối năm 2021, Khi thực hiện bước chuyển chiến lược sang mô hình "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", nhưng vẫn bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, yêu cầu kit test Covid-19 âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động… đã tiêu tốn một nguồn lực rất lớn không chỉ cho nhà nước mà còn lãng phí nguồn lực cho xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, với hình thức giấy đi đường liên tục được thay đổi, ban hành mới, công tác phối hợp tổ chức thực hiện tại một số nơi còn thiếu tính đồng bộ. Điều này cũng gây lãng phí nguồn lực con người được huy động cũng như nguồn ngân sách cho hoạt động.