Điểm báo 5/5: Nhà xuất bản Giáo dục phủ nhận việc sách giáo khoa tăng đột biến

Giá sách giáo khoa tăng đột biến gấp 2-3 lần: Nhà xuất bản Giáo dục phủ nhận, Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu vay vốn: Nỗi lo trái chủ lớn dần; Đề xuất có thêm chính sách an sinh xã hội cho lái xe công nghệ;... là những thông tin đáng chú ý trong những số báo ra sáng nay ngày 05/05.

GIÁ SÁCH GIÁO KHOA TĂNG ĐỘT BIẾN GẤP 2-3 LẦN: NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC PHỦ NHẬN

 Liên quan đến việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa hiện hành,  nhiều người đã phản ứng trước câu chuyện này. Bài viết trên báo Dân trí.

Đơn cử, bộ sách lớp 2 cũ chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì sách mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, giá bán sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được kê khai mới, không phải tăng giá. Cũng theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá sách giáo khoa mới được tính toán dựa trên các yếu tố chính gồm: Số cuốn sách giáo khoa trong bộ sách mới; chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế…

Còn theo báo điện tử Dân trí, nguyên nhân việc tăng giá sách giáo khoa trên đây chỉ một phần, phần nữa do Bộ GD-ĐT cho phép tăng số đầu sách giáo khoa bắt buộc so với chương trình cũ, khiến người dân phải bỏ chi phí lớn để đổ vào việc mua sắm SGK. 

DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC Ồ ẠT PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU VAY VỐN: NỖI LO TRÁI CHỦ LỚN DẦN

Chưa lúc nào doanh nghiệp bất động sản lại dễ dàng vay vốn trong dân từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp như thời gian vừa qua. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ - mức độ rủi ro là rất lớn. Đây là nội dung bài viết được đăng trên báo Tiền phong.  

Ngoài việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu thậm chí là cổ phiếu của công ty con, nhiều doanh nghiệp đã “phù phép” để có tài sản đảm bảo khác nhằm tăng uy tín, chẳng hạn ký hợp đồng góp vốn mua 50% cổ phần của công ty con đang giữ mảnh đất có giá trị ngàn tỷ đồng. 

Theo Báo Tiền phong, chính hợp đồng góp vốn “ảo” này sẽ là tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu được phát hành. Đây chính là lỗ hổng gây nhiều rủi ro. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi nghị định 153 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.

ĐỀ XUẤT CÓ THÊM CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CHO LÁI XE CÔNG NGHỆ 

Chuyển sang bài viết khác. Cần có thêm chính sách an sinh xã hội cho lái xe công nghệ. Đây là bài viết nổi bật được đăng trên báo Kinh tế và Đô thị.  

Theo Báo Kinh tế và Đô thị, Có 2/3 các lái xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp: Bình quân lái xe máy là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng). Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị, người lao động là lái xe công nghệ cần được tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ các chương trình/dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. 

ĐỂ ĐẤT CHÍN RỒNG VƯƠN LÊN CÙNG CẢ NƯỚC

Sau nhiều năm "ngủ yên", Đồng bằng sông Cửu Long đã được "đánh thức" vào những năm 80 của thế kỷ trước nhưng vẫn chưa thể vươn lên mạnh mẽ. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá mới. Bài viết trên báo Giao thông

Theo Báo Giao thông, Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra. Vấn đề còn lại là phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về Vùng Đồng bằng sông Cửu Long? Theo nội dung Nghị quyết, sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển Vùng và liên vùng. Có thể nói, đây là một nội dung rất quan trọng, bởi chỉ khi hệ thống hạ tầng giao thông của vùng hoàn thiện, phát triển đồng bộ, mọi tiềm năng lợi thế mới có thể được phát huy tối đa. 

Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển cùng cả nước, cần dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hệ thống đường cao tốc.