Điểm báo 6/1: Bỏ quy định không phù hợp với dịch vụ trông giữ xe trên hè phố

Trông giữ xe trên hè phố: Bỏ quy định không phù hợp; Ngộ độc rượu: Cảnh báo không thừa; Khơi thông biên giới Trung Quốc, nông sản Việt kỳ vọng gia tăng xuất khẩu; Chặn thực phẩm bẩn “tấn công” người tiêu dùng... là những tin chính có trong điểm báo sáng nay 6/1.

TRÔNG GIỮ XE TRÊN HÈ PHỐ: BỎ QUY ĐỊNH KHÔNG PHÙ HỢP

Việc cấm sử dụng hè phố vào việc trông giữ xe hướng tới mục tiêu bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, tách biệt không gian cho người đi bộ là cần thiết. Tuy nhiên trong bối cảnh cụ thể hiện nay, quy định đó còn có những bất cập, dẫn đến nhiều hệ luỵ về kinh tế, giao thông, văn minh đô thị... nên chăng cần được xem xét, thay đổi. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

Việc trông giữ xe trên các tuyến phố đông đúc cần được xem xét nghiêm túc. Những nơi có đủ điều kiện, vừa đảm bảo không gian cho người đi bộ, vừa có thể cho dừng đỗ xe nên cho kết hợp sử dụng cả hai mục đích. Tuy nhiên, việc thiết kế, xây dựng cần phù hợp với từng mục đích. Phần dành cho người đi bộ có thể lát đá tự nhiên, dựng cọc, rào để phân tách riêng. Phần dành cho đỗ xe nên xây dựng bằng kết cấu bền chắc, hơn, có lối lên xuống. Quan trọng nhất, nếu sử dụng vỉa hè cho mục đích trông xe, nguồn lợi phải được phân bổ một phần cho ngân sách thành phố để sử dụng tái đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thay vì “thả gà ra đuổi” như hiện nay, Hà Nội hoàn toàn có thể quản lý chặt chẽ, thu lợi từ loại hình kinh tế giao thông thiết thực này.

NGỘ ĐỘC RƯỢU: CẢNH BÁO KHÔNG THỪA  

Thông thường những ngày cận tết lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn bình thường. Cùng với đó, số lượng người nhập viện do say rượu, bia; thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng phổ biến. Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và tốn chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối.

KHƠI THÔNG BIÊN GIỚI TRUNG QUỐC, NÔNG SẢN VIỆT KỲ VỌNG GIA TĂNG XUẤT KHẨU  

Trên trang nhất Thời báo Tài chính Việt Nam sáng nay có bài viết, theo nhận định của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn, ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tiếp tục linh hoạt, chủ động tiếp cận thị trường để tận dụng cơ hội này.

Dự báo năm 2023 là năm bùng nổ xuất khẩu rau quả, tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022, cán mốc 4 tỷ USD. Việc Trung Quốc thông báo gỡ bỏ xét nghiệm Covid-19 đối với hàng hoá nhập khẩu là tin vui với lực lượng chức năng tại cửa khẩu và cả cộng đồng doanh nghiệp đều mong chờ. Trong 2 ngày đầu năm 2023, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho lượng lớn hàng hóa xuất khẩu, tổng kim ngạch đạt 1,85 triệu USD. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: tinh dầu quế, chuối, dưa hấu, sắn lát khô, phích nhựa, lạc nhân khô, hoa cúc tươi, thanh long, gỗ ván bóc... Để tận dụng tốt nhất các cơ hội, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, cơ quan liên quan bảo đảm các yêu cầu mới đối với doanh nghiệp nhập khẩu và sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

CHẶN THỰC PHẨM BẨN “TẤN CÔNG” NGƯỜI TIÊU DÙNG  

Một thông tin được đăng tải trên báo Giáo dục và Thời đại, dịp tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cũng được nhiều người quan tâm hơn. Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, xử lý nghiêm các vi phạm, các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, siết chặt quản lý ATTP trong dịp Tết.

Nhằm đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa lễ hội xuân năm 2023, TP Hà Nội có 676 đoàn thanh tra, kiểm tra. Qua kiểm tra, một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm ATTP. Dù việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm ATTP tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn... Thời gian tới, việc kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, kém chất lượng và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên địa bàn Hà Nội sẽ được thắt chặt. Kiên quyết không để các cơ sở thực phẩm bày bán tại các địa điểm không được phép bán hàng, hàng rong cổng trường, lấn chiếm vỉa hè, chợ cóc không đảm bảo vệ sinh...

Truyền hình Quốc hội Việt Nam