Điểm báo: Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội - Cần quyết liệt, triệt để hơn

Đào tạo sau đại học: “chật vật” tuyển sinh; Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Cần quyết liệt, triệt để hơn; Tăng đơn hàng dịp tết, nhiều doanh nghiệp ra sức tuyển thêm lao động; Các nạn nhân người việt thiệt hại trung bình gần 18 triệu đồng khi bị lừa đảo trực tuyến;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 7/1.

ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC:  “CHẬT VẬT” TUYỂN SINH

Theo báo GD và thời đại, Nhiều trường, chương trình còn thiết kế theo kiểu làm nghiên cứu nhưng học rất nhiều; thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu ít. Điều này khiến người học dễ chán. Một trong những nguyên nhân khiến người học thạc sĩ giảm do tiếng Anh đầu vào khắt khe hơn. Cụ thể từ năm 2021, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam mới đủ điều kiện học thạc sĩ và đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 mới được tốt nghiệp trong khi quy chế đào tạo thạc sĩ năm 2014 không có quy định bắt buộc này. Vì thế, theo bài viết, các trường cần trả lời các câu hỏi: Làm gì để sinh viên yêu thích đến trường? Có hoạt động gì để hỗ trợ dạy - học và làm thế nào giúp cho sinh viên học tập tốt nhất. 

CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ HÀ NỘI: CẦN QUYẾT LIỆT, TRIỆT ĐỂ HƠN

Vấn nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng ở Thủ đô đã xuất hiện từ nhiều năm nay, với nhiều nguyên nhân như từ các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu. Các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu là một trong những nguyên nhân chính. 

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM 2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Tình trạng nhiều cơ sở tái chế trong thành phố không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường; một loạt các công trình tại Hà Nội được xây dựng và sửa chữa như đường, cầu, cống, nhà ở nhưng không được che bụi bẩn cẩn thận; hay tình trạng đốt rác vẫn còn xảy ra nhiều. Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết ẩm thấp, gió rất lặng nên bụi mịn có thể luẩn quẩn dưới tầng thấp, khiến Hà Nội có nhiều ngày không khí bị ô nhiễm nặng hơn. Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là cần có cơ chế cụ thể để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quy trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí; phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát của cộng đồng đối với các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là các dự án mới xây dựng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

TĂNG ĐƠN HÀNG DỊP TẾT, NHIỀU DOANH NGHIỆP RA SỨC TUYỂN THÊM LAO ĐỘNG

Cuối năm các doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng, dịch vụ phục vụ ngày Tết, do đó nhu cầu tuyền dụng lao động cũng cao hơn bao giờ hết. 

Dự kiến tính cả quý 1/2024, các doanh nghiệp tại Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng khoảng hơn 100.000 lao động. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, lao động trình độ cao đẳng – đại học và lao động phổ thông. Nhìn chung nhu cầu tuyển dụng đang tăng lên, song với thời điểm này phổ biến nhất vẫn là nhóm thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, du lịch, ăn uống, lưu trú… Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đơn hàng, các doanh nghiệp ngành nghề công nghiệp chế biến – chế tạo cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng nhiều lao động. Một số nhóm ngành về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xây dựng, tài chính, bảo hiểm vẫn đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân sự ở thời điểm này. 

CÁC NẠN NHÂN NGƯỜI VIỆT THIỆT HẠI TRUNG BÌNH GẦN 18 TRIỆU ĐỒNG KHI BỊ LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN

Lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, với mỗi vụ lừa đảo thực hiện thành công, các nạn nhân người Việt gánh chịu thiệt hại trung bình khoảng 17,7 triệu đồng. Thông tin đăng tải trên báo công thương. 

Facebook và Gmail hiện nổi lên như những kênh lừa đảo chính để tiếp cận nạn nhân tại Việt Nam. 71% số người được hỏi gặp phải lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này. Bám sát theo đó là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%), chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5 trong các kênh được những kẻ lừa đảo khai thác nhiều nhất. Lừa đảo đầu tư được cho là phổ biến nhất, khi 13% người được hỏi báo cáo về hình thức này. Theo phân tích của các chuyên gia, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ mới như DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra trong năm 2023. Thống kê cho thấy, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau. Các chuyên gia cũng Dự báo rằng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, xu hướng tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xoay quanh các sự kiện nóng, nổi bật và ứng dụng giả mạo.