Điểm báo: Có khả thi khi thu phí không dừng qua vệ tinh?

Thu phí không dừng qua vệ tinh: Liệu có khả thi?; Cởi nút thắt lớn để Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030; Tín hiệu vui cho người lao động; Dư địa lớn cho ngành bán lẻ ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 2/3/2023.

THU PHÍ KHÔNG DỪNG QUA VỆ TINH: LIỆU CÓ KHẢ THI?

Ý tưởng triển khai thu phí không dừng qua vệ tinh của Bộ GTVT đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Nhất là khi trước đó đã từng có nhiều ý tưởng, tương tự như vậy vẫn đang còn ngổn ngang với không ít bất cập. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, thu phí không dừng qua vệ tinh là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Báo Kinh tế và đô thị đề cập, Hiện tại, hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải đều đã được lắp thiết bị định vị. Tuy nhiên, với các phương tiện xe cá nhân thì chưa nhiều. Thách thức lớn nhất với nhóm xe cá nhân chính là xâm nhập thông tin đời tư khi lắp định vị vào xe họ. Điều này vi phạm các qui định của pháp luật. Hơn thế nữa, công tác bảo mật dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao nếu áp dụng việc theo dõi giám sát định vị phương tiện cá nhân.

CỞI NÚT THẮT LỚN ĐỂ VIỆT NAM LÀ NƯỚC THU NHẬP TRUNG BÌNH CAO TRƯỚC NĂM 2030

Trước ngưỡng cửa trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam lại gặp những khó khăn nội tại và thách thức bên ngoài khiến có nguy cơ “sập bẫy” thu nhập trung bình. Bài viết trên báo Lao động

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người của nước ta năm 2021 ước đạt 3.590 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam đang tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên báo Lao động đề cập, Kinh nghiệm thế giới cho thấy đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng lại chậm dần. Hệ quả là chỉ rất ít vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… Hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Vì vậy. việc tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

TÍN HIỆU VUI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 15 năm thay vì 20 năm, người lao động có thể được nhận lương hưu. Đề xuất này được đưa ra khi sửa Luật BHXH đang nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng.

Theo báo Nông thôn ngày nay, đề xuất 15 năm đóng BHXH được nhận lương hưu, là tín hiệu vui cho người lao động. Giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm và tầm nhìn 10 năm, thì tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần sẽ giảm dần. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì vẫn có những ý kiến băn khoăn. Nhiều người lo ngại, việc giảm thời gian đóng nếu không đi kèm giải pháp nâng tỷ lệ đóng BHXH thì khó có thể đảm bảo an sinh sau này vì mức tiền lương hưu sẽ thấp. Theo thống kê, cả nước có 14 triệu người hết tuổi lao động (tuổi nghỉ hưu).

DƯ ĐỊA LỚN CHO NGÀNH BÁN LẺ

Theo báo Đại đoàn kết, dù chịu sự tác động của lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, song điều đó không mấy ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bán lẻ. Giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. “Dư địa mới cho ngành bán lẻ” là bài viết trên báo Đại đoàn kết số ra sáng nay.

Không chỉ các đại lý, cửa hàng tiện lợi mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn cũng đang trong tình thế thấp thỏm vì sức mua giảm. Tuy nhiên, báo Đại đoàn kết trích dẫn một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Các nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội bởi sân chơi bán lẻ trong tay mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, đưa ra những chiến lược mới, trải nghiệm mới, tăng doanh thu, lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại... Đây là cơ sở để thúc đẩy DN bán lẻ nội địa cùng phát triển.

Thùy Trang