Điểm báo: Hải quan tập trung ngăn chặn hàng lậu qua đường chuyển phát nhanh

Hải quan tập trung ngăn chặn hàng lậu qua đường chuyển phát nhanh; Nóng chuyện tăng lương; Thiếu hụt nhân tài tăng cao, ngành hàng tiêu dùng làm gì để giữ chân lao động?; Thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Gỡ khó cho giáo viên ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 2/8/2023.

HẢI QUAN TẬP TRUNG NGĂN CHẶN HÀNG LẬU QUA ĐƯỜNG CHUYỂN PHÁT NHANH

Vũ khí, ma túy, động vật hoang dã hay những mặt hàng xa xỉ có giá trị cao... là những mặt hàng đang được phát hiện ngày càng nhiều trong các bưu kiện, hành lý ký gửi được vận chuyển vào Việt Nam, qua đường chuyển phát nhanh. Những tháng đầu năm 2023, lượng hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh được cơ quan hải quan phát hiện, xử lý, ghi nhận tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ các năm trước. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh tăng mạnh. Số lượng gói, kiện lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày, khoảng từ 1 - 4 triệu/tháng. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn khai báo sai tên hàng hóa, đóng gói, trà trộn lẫn vào hàng hóa tiêu dùng như: sữa hộp, thực phẩm chức năng... Hàng hóa vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh thường được ủy quyền cho hãng vận chuyển làm thủ tục và thủ tục phát - nhận hàng đơn giản nên rất khó xác định chủ hàng thật của đơn hàng.    

NÓNG CHUYỆN TĂNG LƯƠNG

Dự kiến ngày 8/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên nhằm thảo luận và đưa ra các phương án cho tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Đây một lần nữa lại làm nóng dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn phải đối mặt nhiều thách thức, nhiều mặt hàng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tăng giá. Theo thống kê, có trên 58% công nhân lao động không có tích luỹ; chỉ trên 11% có tích luỹ đủ chi tiêu dưới 1 tháng; 16% có tích luỹ đủ chi tiêu 1 - 3 tháng và chỉ hơn 12% có tích luỹ đủ chi tiêu trên 3 tháng. Đi cùng với đó, công nhân cũng mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu, đi làm phải đủ sống và có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đặt vấn đề, nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động.    

THIẾU HỤT NHÂN TÀI TĂNG CAO, NGÀNH HÀNG TIÊU DÙNG LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG?

Ngành hàng tiêu dùng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức cam go trong những năm gần đây. Sự khan hiếm nhân tài đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm với 77% nhà tuyển dụng ngành hàng tiêu dùng toàn cầu cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài. Các chuyên gia nhận định các doanh nghiệp có thể mất 4,7 nghìn tỷ USD hàng năm, nếu không đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm số của người tiêu dùng. Cụ thể, với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, nhu cầu nhân sự với những kỹ năng số và kỹ năng xanh sẽ tăng lên trong thời gian tới, cho thấy tính cấp thiết của việc nâng cao kỹ năng và tái đào tạo kỹ năng cho người lao động. Một trong những yếu tố để giữ chân nhân tài, ngoài lương, người lao động, đặc biệt là các nhân sự trẻ quan tâm đến tầm nhìn của doanh nghiệp, họ cũng khát khao được cống hiến và muốn được lắng nghe, đây cũng là các yếu tố để thu hút người lao động. 

THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP: GỠ KHÓ CHO GIÁO VIÊN

Dù đạt chuẩn trình độ đào tạo và hàng chục năm đứng trên bục giảng nhưng nhiều giáo viên hiện vẫn lo ngại mất cơ hội tăng lương vì khó đáp ứng quy định về số năm có bằng đại học. Thông tin đăng tải trên báo Giáo dục và Thời đại. Cụ thể, Mới đây, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã kiến nghị, quy định tại Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT đã khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến. Trong đó, có những giáo viên 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn “hụt” vì thiếu 2 tháng. Nếu chờ tiếp, có những giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn cơ hội tăng lương. Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Cục đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn các địa phương, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất của giáo viên và sẽ sớm phát hành văn bản hướng dẫn để các địa phương có cơ sở thực hiện và thầy, cô giáo yên tâm công tác.    

Truyền hình Quốc hội Việt Nam