Điểm báo: Lúng túng trong điều hành xăng, dầu

Lúng túng trong điều hành xăng, dầu; Dự báo 2 kịch bản giá thịt lợn, lúa gạo tăng, ảnh hưởng đến CPI; Nông dân thấy giá cao liền phá vỡ cam kết, giá thấp doanh nghiệp lại không mua; Mức độ tiếp cận giáo dục đại học còn thấp? ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 27/10/2022.

LÚNG TÚNG TRONG ĐIỀU HÀNH XĂNG, DẦU

Tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung xăng, dầu diễn ra tại nhiều tỉnh, thành những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Mặc dù cơ quan quản lý đã can thiệp bằng nhiều giải pháp song tình trạng này vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thông tin được đăng tải trên trang nhất báo kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Lý giải những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhiều cây xăng dừng hoặc tạm ngừng bán hàng trong bối cảnh nguồn cung không thiếu, giá thế giới không cao, chuyên gia cho rằng, tình trạng đứt gãy nguồn cung đang nằm ở khâu bán lẻ. Thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phản ánh càng kinh doanh càng lỗ nên phải đóng cửa, vì nhà bán lẻ cũng có nhiều loại chi phí nên cần có tỷ lệ chiết khấu tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu trong thời gian dài hạn, thị trường biến động mạnh với chiết khấu 0 đồng thì khó có thể duy trì kinh doanh. Các chuyên gia cũng đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu nhằm tránh tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá. Đồng thời, các cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí.

DỰ BÁO 2 KỊCH BẢN GIÁ THỊT LỢN, LÚA GẠO TĂNG, ẢNH HƯỞNG ĐẾN CPI

Bộ Tài chính dự báo về 2 kịch bản hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cuối năm. Giá thịt lợn tăng 10 - 15%, giá gạo tăng 5 - 10% và tác động thiên tai cuối năm sẽ ảnh hưởng 0,05 - 0,1% đến CPI cuối năm.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm sản, giá cả một số mặt hàng như gạo và thịt lợn có thể tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ trong dịp lễ, tết nguyên đán cuối năm thường tăng cao. Bộ Tài chính đã dự báo kịch bản giá đối với một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI cuối năm. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, giá thịt lợn tăng thêm 10%, giá gạo tăng thêm 5% và ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm sẽ tác động đến CPI khoảng 0,05%. Kịch bản 2, giá thịt lợn tăng thêm 15%, giá gạo tăng thêm 10% và ảnh hưởng của thiên tai các tháng cuối năm sẽ tác động đến CPI khoảng 0,1%. Bộ NN-PTNT cũng dự báo nếu thời tiết từ nay đến cuối năm thuận lợi, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỉ USD.

NÔNG DÂN THẤY GIÁ CAO LIỀN PHÁ VỠ CAM KẾT, GIÁ THẤP DOANH NGHIỆP LẠI KHÔNG MUA

Hiện nay, tình trạng giá thị trường cao hơn thỏa thuận, nông dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường. Đến lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận, doanh nghiệp bỏ không thu mua. Liên kết chuỗi cứ thế bị phá vỡ. Thông tin đăng tải trên báo Vietnamnet.

Theo bài viết, Đến nay, có khoảng 70% HTX (trong tổng số 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX trên cả nước) chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp. Điều này khiến việc tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp khó khăn. Nhiều chuyên gia đề cập đến vấn đề liên kết đưa hàng vào siêu thị. Song, vấn đề đặt ra lâu nay là HTX thường bán những cái mình có sẵn, chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù. Bên cạnh đó, trong liên kết sản xuất đang có tình trạng khi giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận, người nông dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường. Đến lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ, không thu mua sản phẩm của người nông dân. Liên kết chuỗi cứ thế bị phá vỡ. Các chuyên gia cho biết cần giải quyết được bài toán liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có liên kết vùng, ngành thế nào để tận dụng được thời cơ và phát triển.

MỨC ĐỘ TIẾP CẬN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÒN THẤP? 

Bên cạnh nhận định về chất lượng giáo dục đại học đang ngày càng cải thiện, cũng có ý kiến cho rằng, mức độ tiếp cận giáo dục đại học ở Việt nam còn thấp. Theo các chuyên gia, một phần do chất lượng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống còn chênh lệch, nhiều trường đại học chưa tạo được “sức hút” với người học.

Cụ thể, Hiện nay sinh viên vào các trường đại học không háo hức như trước. Nhiều học sinh có suy nghĩ, học kiểu gì cũng vào được đại học. Nếu không vào được các trường tốp đầu thì sẽ vào các trường có chất lượng thấp hơn. Điều này làm giảm động lực học tập của các em. Các chuyên gia khuyến nghị về mặt chính sách, cần dựa trên cơ sở dữ liệu hôm nay để dự đoán sự phát triển trong tương lai. Từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, hội tụ được các nguồn lực trong trường đại học. Trên cơ sở đó, các trường đại học có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra được những tác động lớn không chỉ về mặt khoa học công nghệ mà còn trong các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đồng thời cần điều chỉnh tốt cân bằng cung cầu.