Điểm báo: Mua nhà hình thành trong tương lai - rủi ro luôn rình rập?

Mua nhà hình thành trong tương lai - rủi ro luôn rình rập?; Doanh nghiệp bất động sản vẫn lo dòng vốn bị thắt chặt; Cơ hội cho công nghệ bán dẫn; Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam cần chớp thời cơ;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 26/7.

MUA NHÀ HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI - RỦI RO LUÔN RÌNH RẬP

Thời gian qua, trong khi khách hàng “răm rắp” tuân theo quy định của hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nộp tiền đúng tiến độ thì không ít chủ đầu tư lại nhiều lần bội ước khi bàn giao sản phẩm. “Mua nhà hình thành trong tương lai: Liệu rủi ro có luôn rình rập?”.

Cũng có không ít dự án chủ đầu tư đã vi phạm cam kết với khách hàng, nhưng lại tự cho mình được quyền “chơi luật” bởi những điều khoản chi chít dày vài chục trang giấy có lợi cho mình, được cài vào từ khi ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi người dân do lơ là chủ quan hoặc do thiếu kiến thức về pháp luật đã dễ dàng đặt bút ký để rồi “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. Theo Kinh tế và đô thị, để việc kiểm soát sử dụng vốn đi vào thực chất, chủ đầu tư phải lập tài khoản riêng để tiếp nhận tiền ứng trước của khách hàng tại mỗi dự án; đồng thời cho phép khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin sử dụng tài khoản này. Nhưng để làm được như vậy, quy định về tài khoản ngân hàng cũng cần phải được xem xét phù hợp…

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN VẪN LO DÒNG VỐN BỊ THẮT CHẶT

NHNN vừa ban hành Thông tư 06 về hoạt động cho vay của các ngân hàng. Với thông tư này, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn lo dòng vốn bị thắt chặt. Bài viết trên Vietnamnet.

Vietnamnet trích dẫn ý kiến một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc tăng thêm các nhóm đối tượng không được vay vốn càng thắt chặt dòng vốn cho thị trường bất động sản. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Quy định này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án đầu tư đủ điều kiện, ngân hàng tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư theo quy định. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, các quy định trên sẽ bắt đầu áp dụng.

CƠ HỘI CHO CÔNG NGHỆ BÁN DẪN

Trong chuyến thăm, làm việc tuần qua tại VN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ muốn hỗ trợ VN nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo. Báo Thanh niên có bài viết về vấn đề này.

Việt Nam từ lâu đã được "xướng tên" trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghiệp bán dẫn.  Thế nhưng, kỳ vọng VN sẽ sớm trở thành bến đỗ mới của ngành công nghiệp bán dẫn bắt đầu được nói đến nhiều sau đại dịch Covid-19, chính sách zero covid của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Theo báo Thanh niên, Việt Nam đang có tiềm năng đất hiếm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn.

ẤN ĐỘ CẤM XUẤT KHẨU GẠO, VIỆT NAM CẦN CHỚP THỜI CƠ

Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo từ ngày 20/7. Theo báo Giao thông, đây là thời cơ mà Việt Nam cần chớp lấy để chiếm lĩnh thị trường.

Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ. Giá gạo dự báo tăng mạnh, không tránh khỏi việc ồ ạt xuất khẩu, cách nào đảm bảo an ninh lương thực trong nước?  Theo báo Giao thông, đến tháng 5 cả nước đã thu hoạch được hơn 17 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch sản xuất trên 43 triệu tấn có thể hoàn thành được nhờ thời tiết thuận lợi. Vì thế, vẫn đảm bảo được nhu cầu lương thực, chăn nuôi, chế biến, dự trữ và đảm bảo trên 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu.  

Truyền hình Quốc hội Việt Nam