Điểm báo ngày 01/4: Hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành - Ra tay mau lẹ, giảm nhẹ “trì lạm”

Ra tay mau lẹ, giảm nhẹ “trì lạm”; Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Thận trọng với đăng ký xét tuyển 1 lần; Hỗ trợ tiền thuê trọ cho 3,4 triệu công nhân: Đẩy nhanh tiến độ, giảm thủ tục rườm rà; Nhức nhối tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 01/04/2022.

Ra tay mau lẹ, giảm nhẹ “trì lạm”

Hai nghị quyết về giá xăng dầu và số giờ làm thêm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cùng lúc trong tháng 3. Sự ra tay mau lẹ này, được xem là pha cứu nguy tức thời cho nền kinh tế trước nguy cơ trì lạm - tên thường gọi về tình trạng diễn ra đồng thời: trì trệ và lạm phát. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo bài viết, thuế môi trường đối với xăng, dầu…nằm trong biểu khung thuế tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, nên thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể cho giảm ngay, trong khi các loại thuế khác muốn giảm thì phải đợi Quốc hội quyết. Nếu đợi đến lúc đó, như theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Công thương là “thực sự gay go”, sẽ không còn kịp chặn đà leo thang của lạm phát. Cũng theo bài viết,  Nếu như Nghị quyết về giảm thuế môi trường với xăng dầu mang tính cứu nguy cho nền kinh tế trước rủi ro lạm phát thì Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mang tính giải vây cho nền kinh tế trước nguy cơ đình trệ. Tăng giờ làm thêm không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhưng là giải pháp tình thế, cấp bách,  nhưng là giải pháp tình thế, cấp bách để bù cho hơn 100 triệu ngày công đã mất đi.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Thận trọng với đăng ký xét tuyển 1 lần

Chuyển sang một số thông tin đáng chú ý khác liên quan đến ngành giáo dục, năm 2022, một trong những điểm mới dự kiến sẽ thay đổi là, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến. Khi đã đăng ký xong, thí sinh sẽ không có cơ hội để chỉnh sửa nguyện vọng như năm trước. Thông tin trên báo Giáo dục và Thời đại.

Tán thành với điểm mới trên, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Dù Quy chế tuyển sinh có được điều chỉnh, bổ sung như thế nào thì thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Vì thế, thay vì băn khoăn, lo lắng, ngay từ bây giờ các em học sinh cần tìm hiểu kỹ ngành nghề để xem mình phù hợp và yêu thích ngành nào. Cũng theo bài viết, để có cơ sở đăng ký xét tuyển, các em học sinh nên tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của những trường mà mình dự định học; trong đó cần quan tâm sâu đến những ngành mà mình sẽ xét tuyển.

Hỗ trợ tiền thuê trọ cho 3,4 triệu công nhân: Đẩy nhanh tiến độ, giảm thủ tục rườm rà

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 6.600 tỷ đồng. Trước “giờ G” thực hiện chính sách, người lao động và doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn. Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay.

Theo quy định, quy trình hỗ trợ tiền thuê nhà trọ sẽ trải qua 6 bước như người lao động viết đơn xin xác nhận chủ nhà trọ, sau đó gửi đơn lên doanh nghiệp, doanh nghiệp thống kê niêm yết lấy ý kiến sau đó chuyển hồ sơ lên BHXH Việt Nam rà soát, UBND quận phê duyệt …Mặc dù đã rút gọn thời gian và thủ tục nhưng về cơ bản, việc triển khai các chương trình hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa thực sự đơn giản. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về những quy định như việc không biết phải xác nhận việc ở trọ như thế nào? Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý lo ngại vì cho rằng việc để lao động viết đơn, xác nhận bằng tay là không hợp lý.

Nhức nhối tình trạng buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Thời gian qua, việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng phân bón giả, kém chấtlượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân. Cục Bảo vệ thực vật dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm.