Điểm báo ngày 11/11: Cần cơ chế cho bảo vật hồi hương

Cần cơ chế cho bảo vật hồi hương; 2 năm thực thi EVFTA: Doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt các cơ hội; Doanh nghiệp không nhập giọt xăng dầu nào, Bộ Công Thương thiếu giám sát; Nhà ở xã hội: Giá vẫn “chát" ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 11/11/2022.

CẦN CƠ CHẾ CHO BẢO VẬT HỒI HƯƠNG

Gần đây, dư luận xã hội nói chung và giới nghiên cứu văn hóa, bảo tồn di sản nói riêng rất quan tâm đến việc một số cổ vật triều Nguyễn được thông báo bán đấu giá tại Pháp. Trong số đó, chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tới nay may mắn được "tạm hoãn" đưa ra sàn đấu giá và Việt Nam có thể thương lượng mua trực tiếp. Liên quan đến câu chuyện này, báo Tuổi trẻ có bài viết “Cần cơ chế cho bảo vật hồi hương”.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận xã hội quan tâm đến cổ vật Việt Nam đấu giá ở nước ngoài. Với các cổ vật như ấn vàng, việc "hồi hương" dù có ý nghĩa rất quan trọng vì giá trị nhiều mặt của chúng nhưng thực tế rất khó khăn thậm chí bất khả thi. Các cổ vật quý hiếm qua các phiên đấu giá thì giá cả rất khó lường. Muốn chủ động tham gia đấu giá, kể cả việc "thương lượng mua" thì Nhà nước cần có sẵn một khoản ngân quỹ dành riêng cho việc này. Theo báo Tuổi trẻ, đã đến lúc, Nhà nước cần lập Quỹ di sản văn hóa dành cho việc mua cổ vật từ nước ngoài và cả ở trong nước. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức xã hội ngoài công lập thành lập quỹ di sản từ nguồn đóng góp của tư nhân.

2 NĂM THỰC THI EVFTA: DOANH NGHIỆP VIỆT ĐÃ TẬN DỤNG TỐT CÁC CƠ HỘI

Tính đến nay, sau 2 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã góp một phần quan trọng, làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách của Nhà nước cũng như sự chủ động của doanh nghiệp. Đây là nội dung bài viết trên báo Kinh tế & Đô thị.

Các doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt những cơ hội từ EVFTA. Đây là hiệp định có số lượng doanh nghiệp biết đến nhiều nhất đến thời điểm này, với khoảng 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về EVFTA. Theo báo Kinh tế & Đô thị, để tận dụng tốt hơn những cơ hội từ EVFTA, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng. Đồng thời, sự chủ động trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp là điều kiện cần và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ, để có thể hiện thực hóa các lợi ích từ EVFTA hay các FTA nói chung.

DOANH NGHIỆP KHÔNG NHẬP GIỌT XĂNG DẦU NÀO, BỘ CÔNG THƯƠNG THIẾU GIÁM SÁT

Liên quan đến những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua, nhiều tờ báo lớn đã có bài viết bình luận về vấn đề này. Báo Lao Động có bài viết “Doanh nghiệp không nhập giọt xăng dầu nào, Bộ Công Thương thiếu giám sát”.

Báo Lao Động dẫn ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kiểm tra, giám sát không kỹ lưỡng của Bộ Công Thương là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dòng tiền từ vay ưu đãi ngân hàng sử dụng trái mục đích, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Đến khi thị trường này biến động mạnh mẽ, nguồn tiền của những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu suy giảm, từ đó nguồn cung xăng dầu cũng bị ảnh hưởng. Một khi thị trường xăng dầu biến động, các doanh nghiệp đầu mối (có nhập hàng) sẽ lo hàng cho hệ thống của mình trước, rồi mới bán cho các thương nhân phân phối.

NHÀ Ở XÃ HỘI: GIÁ VẪN “CHÁT”

Mục tiêu của nhà ở xã hội là hướng tới người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại mục tiêu này khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. “Nhà ở xã hội: Giá vẫn chát”. Đây là bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Một số liệu cho thấy, giá trung bình của nhà ở xã hội ở mức trên 15 triệu đồng/1m2 và có nơi là từ 21 đến 25 triệu/1m2. Nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội cũng chưa được bảo đảm, chính sách ưu đãi, khuyến khích cũng chưa thực sự thu hút. Việc tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp, dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo, giá nhà ở xã hội cũng tăng cao so với thu nhập của người dân. Báo Giáo dục và Thời đại cũng đề cập, về giải pháp, giai đoạn từ năm 2021 - 2025, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu đặt ra hoàn thành khoảng 570 nghìn căn nhà, đáp ứng khoảng 46% nhu cầu. Giai đoạn 2 là 2025 - 2030, sẽ tiến tới đáp ứng khoảng 73% nhu cầu.

Thùy Trang