Điểm báo ngày 17/7: Chậm giải ngân đầu tư công: Đã đến mức báo động?

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế; Chậm giải ngân đầu tư công: Đã đến mức báo động?; Hỗ trợ thiết thực cho người lao động; Triển vọng kinh tế số và thách thức chất lượng nguồn nhân lực ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 17/7/2022.

ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM: ĐIỂM SÁNG CỦA NỀN KINH TẾ

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn có xu hướng tích cực khi vốn tăng thêm của các doanh nghiệp tăng mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 65,6% (đạt 6,82 tỷ USD), vốn thực hiện tăng 8,9% đạt hơn 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Các chỉ số này phản ánh rõ nét xu hướng chung của sự phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Số liệu thu hút FDI cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục đón được cơ hội này, Việt Nam phải tạo được niềm tin của nhà đầu tư về cách thức quản lý trong điều kiện bình thường mới cũng như việc thực thi cam kết hội nhập.

CHẬM GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG: ĐÃ ĐẾN MỨC BÁO ĐỘNG?

Nửa đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 27% kế hoạch. Để giải ngân hết số vốn được giao như mục tiêu đề ra, công việc còn lại của những tháng cuối năm khó hình dung phải làm thế nào đạt hiệu quả.

Theo thông tin bài viết đăng tải trên báo Tiền phong, từ năm 2020, giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, dẫn đến giá thành các dự án xây dựng đến nay tăng khoảng 18 - 30% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn đà tăng, hoặc bù giá cho nhà thầu. Một số nhà thầu tính toán, theo đơn giá bình thường, kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công, doanh nghiệp lãi khoảng 4%, nhưng do nợ đọng, giá tăng quá cao mà không được bù, nên nhà thầu càng làm càng lỗ. Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân nửa đầu năm nay chưa đạt kỳ vọng. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà có giải pháp căn cơ, lâu dài. Cũng không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi. 

 HỖ TRỢ THIẾT THỰC CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Dù nền kinh tế nước ta đang phục hồi rõ nét nhưng "bức tranh" thu nhập, đời sống người lao động vẫn đan xen gam màu sáng tối, chưa có sự bứt phá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, đòi hỏi cần thêm một số chính sách, sự vào cuộc đồng bộ trong điều hành, thực hiện để hỗ trợ người lao động một cách thiết thực... Bài viết đăng tải trên báo Hà Nội mới

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc kiềm chế đà tăng giá là giải pháp trợ giúp người lao động thiết thực nhất. Đó là bảo đảm cân đối cung - cầu, triển khai chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng thiết yếu, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý. Dù giá xăng, dầu giảm với mức khá lớn là tín hiệu vui, song giá mặt hàng này phụ thuộc vào thị trường thế giới, nên cần tính tiếp phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt; giám sát chặt chẽ, bảo đảm tính đúng, tính đủ và minh bạch các yếu tố cấu thành giá xăng, dầu, vì quyền lợi người dân. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động bị tác động lớn bởi giá xăng, dầu (như với ngư dân); đẩy nhanh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, bởi hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

TRIỂN VỌNG KINH TẾ SỐ VÀ THÁCH THỨC CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước và đào tạo kỹ năng số cho người lao động và sinh viên là 2 trong số những trụ cột hành động chính trong việc nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số tại Việt Nam. Nếu tận dụng tối đa, kinh tế số có thể mang lại giá trị hàng năm lên tới 1.733 nghìn tỷ đồng cho Việt Nam vào năm 2030.

Theo bài viết trên báo Công thương, trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 xác định mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, kinh tế phát triển năng động, nhanh, bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mặc dù hệ thống đổi mới sáng tại và khởi nghiệp của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu bứt phá nền kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP vào năm 2030 như Chiến lược đề ra vẫn là một thách thức không nhỏ. Theo đó, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số.