Điểm báo ngày 23/6: Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường

Quy hoạch là yếu tố trụ cột; Đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm; Ngân hàng Nhà nước chính thức mở kênh hút tiền; Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 23/6/2022.

QUY HOẠCH LÀ YẾU TỐ TRỤ CỘT

Để kiểm soát được phát triển đô thị nhanh, mạnh và hiệu quả theo hướng bền vững, tạo ra không gian đáng sống cho người dân, việc đưa các yếu tố của đô thị thông minh vào trong việc thiết kế và quy hoạch đô thị là điều hết sức cần thiết đối với các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Thông tin bài viết được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay. 

Cụ thể, để quản lý hệ thống giao thông rộng lớn như hiện nay, thành phố đã thành lập Trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp toàn bộ những vấn đề liên quan đến giao thông. Hay như Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước được thành lập với chức năng, theo dõi diễn biến mưa, quản lý lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm… Cùng đó, xây dựng hệ thống HSDC Maps để theo dõi, cảnh báo, hướng dẫn người dân di chuyển trong mùa mưa bão. 

Tương tự, trước áp lực của vấn đề ô nhiễm không khí, thành phố đang bắt đầu triển khai các hệ thống đo chất lượng không khí trên địa bàn và thông báo qua app người dân có thể biết về chất lượng không khí tại khu vực mình sinh sống… Đồng thời, theo ý kiến của các chuyên gia trong quá trình làm quy hoạch, thông qua công cụ quy hoạch tích hợp, Hà Nội cần phát triển các đơn vị đô thị thông minh là hạt nhân lan tỏa, kết nối và thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, tạo thành hệ thống mạng lưới kết nối phát triển không gian thành phố thông minh. 

HÀ NỘI ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM

Cũng là một thông tin đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị trong số ra sáng nay trên báo Kinh tế và Đô thị cho biết, thời gian qua, do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục thi công cũng như tác động của dịch Covid-19, một số công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đang chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.  

Cụ thể, theo bài viết, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, gây bức xúc cho người tham gia giao thông là do vật liệu nhập khẩu, biến động lớn của giá thép và các vật liệu liên quan trong thời gian triển khai đã ảnh hưởng đến tiến độ của một số dự án. Đồng thời, một số công trình hoàn toàn phải dừng hoạt động để đảm bảo hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc huy động máy móc, nhân lực gặp nhiều khó khăn. 

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận phương án đề nghị của Bộ NN&PTNT. Việc điều chỉnh phương án thiết kế đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ngay sau khi được TP Hà Nội chấp thuận, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thi công để trình Bộ NN&PTNT xin cấp phép thi công đoạn số 3. Từ nay đến hết tháng 10 năm 2022, sẽ cố gắng hoàn thành toàn bộ thủ tục thi công và tiếp tục triển khai dự án vào tháng 11/2022. 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHÍNH THỨC MỞ KÊNH HÚT TIỀN

Việc mở lại kênh tín phiếu thể hiện Ngân hàng Nhà nước sẵn hàng hút bớt lượng tiền từ thị trường để hỗ trợ kiểm soát lạm phát. 

Theo báo VnEconomy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông điệp, cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. 

Theo chuyên gia, mặc dù chưa vội tăng lãi suất điều hành nhưng có vẻ như trước áp lực lạm phát và việc mở lại kênh hút tiền, Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy việc không muốn duy trì một mặt bằng lãi suất quá thấp. Thậm chí, việc mở kênh hút tiền diễn ra trong bối cảnh, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã hút bớt lượng tiền VND lớn trên thị trường thông qua nghiệp vụ bán ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá. Chuyên gia cũng cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước phát biểu chưa tăng lãi suất, nhưng việc ngân hàng khởi động tín phiếu nghĩa là đang thăm dò để tăng lãi suất trong tương lai gần. 

CHỦ ĐỘNG KIỂM TRA YẾU TỐ HÌNH THÀNH GIÁ KHI HÀNG HÓA CÓ BIẾN ĐỘNG BẤT THƯỜNG

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 

Trong thời gian tới, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng trong đó có những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải và một số nhóm dịch vụ như giáo dục, y tế… đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm. 

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, căn cứ các văn bản thông báo về các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022. Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, sát với tình hình thực tế, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.