Điểm báo ngày 26/6: Có nên dẹp bỏ buýt nhanh BRT ở Hà Nội?

Gian nan "bài toán" chống thất thu thuế thời công nghệ số; Có nên dẹp bỏ buýt nhanh BRT ở Hà Nội?; Giá vé máy bay “nhảy múa” từng ngày; Giao thông khó thu hút đầu tư, vì sao? ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 26/6/2022.

GIAN NAN "BÀI TOÁN" CHỐNG THẤT THU THUẾ THỜI CÔNG NGHỆ SỐ

Việc chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử đang là bài toán nan giải với cơ quan thuế nói riêng và các ngành, các cấp nói chung. Gian nan với "bài toán" chống thất thu thuế thời công nghệ số, đây là bài viết nổi bật được đăng trên thời báo Tài chính Việt Nam.

Một trong những khó khăn là không xác định được căn cứ tính thuế. Điển hình là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh… Do đó rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay lợi nhuận kinh doanh. Theo Thời báo tài chính Việt Nam, mặc dù ngành Thuế đang sử dụng nhiều biện pháp để rà soát, truy vết thông tin, tuy nhiên số thu thực sự chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

CÓ NÊN DẸP BỎ BUÝT NHANH BRT Ở HÀ NỘI? 

Sau gần 6 năm vận hành, khai thác, tuyến buýt nhanh BRT 01 của Hà Nội không chỉ bộc lộ hàng loạt sai phạm, lãng phí, đội giá, mà hiệu quả khai thác chỉ như buýt thường…Chuyên gia cho rằng, một khi đã không hiệu quả thì nên dẹp sớm. Bài viết trên báo điện tử VOV. 

Do phải dành riêng 1 làn để cho xe buýt BRT ưu tiên lưu thông, nên các tuyến đường có xe buýt BRT đi qua luôn trong tình trạng kẹt xe, người đi xe máy phải trèo lên vỉa hè để đi. Báo điện tử VOV cho rằng, sau gần 6 năm vận hành, khai thác, tuyến BRT 01 không những chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng, mà còn để lại nhiều hệ lụy. Đối với một dự án thử nghiệm đúng là cần có thời gian để đánh giá, tuy nhiên với tuyến BRT 01 Hà Nội hoạt động 4-5 năm không hiệu quả (hoặc hiệu quả thấp) thì cần phải có giải pháp để bố trí lại cho phù hợp. 

GIÁ VÉ MÁY BAY “NHẢY MÚA” TỪNG NGÀY

Thời điểm hiện tại, lên mạng tìm vé máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways... cho các chuyến bay đến các địa điểm du lịch nội địa vào cuối tháng 6, và tháng 7, hành khách không khỏi bất ngờ khi giá vé “nhảy múa” theo từng ngày. Nhiều tờ báo lớn đã bình luận về chủ đề này.

Theo báo điện tử VTV, Một trong những nguyến nhân khiến giá vé máy bay tăng mạnh là nhu cầu đi du lịch dịp hè tăng rất cao. Cùng với sự phục hồi của kinh tế - xã hội, lượng khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2022 của Việt Năm tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng lượng khách nội địa lên đến 48,6 triệu lượt. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, giá vé máy băng tăng mạnh xuất phát từ yếu tố đặc biệt quan trọng nhất là giá xăng đang không ngừng lập đỉnh. Kể từ đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. 

GIAO THÔNG KHÓ THU HÚT ĐẦU TƯ, VÌ SAO?

Theo nhận định của giới chuyên gia, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng đến nay còn nhiều bất cập, thiếu các quy định, hướng dẫn... nên việc thu hút đầu tư ppp trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được như kỳ vọng.

Theo báo Đại đoàn kết, Các nhà đầu tư quá mệt mỏi khi cơ quan quản lý các dự án này với vốn tư nhân đầu tư chiếm 80% nhưng được đối tác “soi” vào đủ thứ. Quy định pháp luật trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư đặt quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên. Tuy nhiên, Trong khi cơ quan Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vi phạm nhưng ở chiều ngược lại, cơ quan Nhà nước trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì không có chế tài xử lý.