Điểm báo ngày 27/03: Thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành "hot" trong mùa tuyển sinh 2022

Tuyển sinh 2022: Thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành "hot"; Hướng dẫn chi tiết gói hỗ trợ lãi suất: Bịt kẽ hở, không để dòng vốn “rò rỉ”; Chiếm quyền điều khiển sim điện thoại: Nhiều người “sập bẫy”; Những bước tự tin sau mở cửa ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 27/03/2022.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành "hot"

Mùa tuyển sinh năm 2022 đã đến gần. Nhiều trường đại học đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh, giúp hướng nghiệp cho học sinh. Nhiều tờ báo lớn đã đăng tải thông tin theo dòng sự kiện được dư luận quan tâm.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành "hot". Đây là bài viết nổi bật trên báo Lao động. Theo đó, nhiều ý kiến dự đoán, Năm nay, bên cạnh ngành Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Cơ điện tử, Phân tích kinh doanh hay Logistic… là những ngành "hot", có sức hút lớn so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành "hot", thay vào đó là cân nhắc ngành học dựa trên sự yêu thích và khả năng của bản thân. Bởi khi quyết định đóng hay mở bất kỳ ngành đào tạo mới nào, nhà trường cũng đã có sự phân tích, khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu việc làm, nhu cầu lao động, định hướng tương lai cũng như sự phát triển của nghề nghiệp so với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Hướng dẫn chi tiết gói hỗ trợ lãi suất: Bịt kẽ hở, không để dòng vốn “rò rỉ”

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn việc thực hiện gói cấp bù lãi suất 2%. Với kinh nghiệm đã có trong việc thực thi các chính sách tương tự giai đoạn trước, các quy định mới được kỳ vọng sẽ hướng dòng vốn đi đúng hướng, không bị “rò rỉ” sang các kênh đầu cơ. Bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam. 

Theo kế hoạch xây dựng văn bản hướng dẫn, quy định về cơ chế chính sách cho cấp bù lãi suất sẽ được chi tiết hóa đến cấp thông tư. Một trong những nội dung dự kiến sẽ được chi tiết hóa là các biện pháp quản lý tổng số tiền hỗ trợ lãi suất. Một trong những tác động cần đề phòng là việc lãi suất cho vay thấp có thể làm gia tăng hành vi sử dụng vốn thiếu cẩn trọng của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thực thi chính sách cũng đòi hỏi sự kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ để ngăn chặn trục lợi chính sách (như cung cấp thông tin, hồ sơ không trung thực để thuộc đối tượng hưởng ưu đãi).

Chiếm quyền điều khiển sim điện thoại: Nhiều người “sập bẫy”

Thời gian qua, có không ít chủ thuê bao điện thoại di động do vô tình đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền kiểm soát sim, dẫn tới việc bị khai thác thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản ngân hàng…Báo Đại đoàn kết đã có bài viết cảnh báo tình trạng này.

Dù thủ đoạn của các đối tượng phạm tội không mới, nhưng vẫn có nhiều khách hàng sập bẫy. Công an Hà Nội vừa đưa ra khuyến cáo về việc này. Theo Báo đại đoàn kết, Các đối tượng xấu sẽ giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử... gọi tới để hỗ trợ giải quyết sự cố và yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS <số Seri SIM> gửi 901. Sau khi người dùng di động thực hiện theo yêu cầu, chúng sẽ có quyền điều khiển SIM điện thoại để khai thác thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Thực chất cú pháp này là yêu cầu chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà mạng không thể dễ dàng cho thực hiện thao tác chuyển cuộc gọi như thế này, mà cần có biện pháp xác định chính chủ.

Những bước tự tin sau mở cửa

Chuyển sang bài viết liên quan đến ngành công nghiệp không khói – lĩnh vực du lịch của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã chính thức "mở cửa" du lịch từ giữa tháng 3 với những chính sách cởi mở, nhưng điều này không có nghĩa khách nước ngoài sẽ ngay lập tức đến Việt Nam ồ ạt. “Những bước tự tin sau mở cửa” là bài viết nổi bật được đăng trên báo Nhân dân số ra cuối tuần.

Báo Nhân dân trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, thông thường thời vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 3 năm sau, trong đó cao điểm nhất là vào tháng 11 và 12. Việc du lịch Việt Nam mở cửa từ ngày 15/3 đã bắt đầu vào mùa thấp điểm của du khách quốc tế. Nếu như trước đây, chúng ta có thể hướng tới thị trường khách du lịch Đông Á để bù lấp ở mùa thấp điểm thì hiện nay thị trường Trung Quốc còn đang đóng cửa, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc mới dần phục hồi. Ở tầm quốc gia, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nới lỏng chính sách về visa, cho phép gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và địa phương kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho marketing truyền thông điểm đến, nâng cao thương hiệu quốc gia.

Kết thúc mục điểm báo hôm nay, là một tin vui cho ngành du lịch. Theo kế hoạch, lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2022 sẽ rơi vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Theo quy định thì người lao động sẽ được nghỉ bù do lịch nghỉ của ngày lễ trùng với ngày thứ 7, chủ nhật. Cùng với đó là những chính sách thông thoáng sau ngày mở cửa du lịch 15/3 nên hoạt động đón khách trong kỳ du lịch nghỉ lễ năm nay được dự báo sẽ vô cùng sôi động, và thực tế thì nhiều tour, nhiều địa điểm du lịch đã cháy vé dịp 30/4 tới đây.