Điểm báo ngày 29/7: Giá xăng giảm liên tiếp, giá cả hàng hóa vẫn “lặng thinh”

Xuất khẩu thủy sản: Phải sớm tháo gỡ những điểm nghẽn; FED tăng lãi suất: nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam; Giá xăng giảm liên tiếp, giá cả hàng hóa vẫn “lặng thinh”; Tránh nhầm “điểm sàn” với điểm chuẩn đầu vào ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 29/7/2022.

XUẤT KHẨU THỦY SẢN: PHẢI SỚM THÁO GỠ NHỮNG ĐIỂM NGHẼN

Dù ghi dấu ấn với nhiều mốc kỷ lục mới, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đang đứng trước nhiều thách thức. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Nguyên liệu vẫn là thách thức đối với ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản. Theo báo Đại đoàn kết, cùng với những khó khăn về nguồn nguyên liệu, Doanh nghiệp thủy sản đang bị giảm năng lực cạnh tranh do hàng loạt tác động dây chuyền từ đại dịch, xung đột Nga-Ukraine, đẩy chi phí logistics tăng gấp nhiều lần. Trước thực trạng trên, VASEP kiến nghị cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp.

FED TĂNG LÃI SUẤT: NHIỀU TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ VIỆT NAM

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất, ngay lập tức giá vàng tăng mạnh, thị trường chứng khoán cũng tăng điểm. Nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tải thông tin bình luận về chủ đề này. 

Theo Báo điện tử VOV, lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Còn Báo kinh tế và đô thị đề cập, Việc Mỹ và ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới dồn dập tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tài chính và nền kinh tế của Việt Nam. FED tăng lãi suất có thể khiến cho dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều. Theo đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng chậm lại. Tuy nhiên, mức độ co hẹp không đến mức quá lo ngại vì còn phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam. 

GIÁ XĂNG GIẢM LIÊN TIẾP, GIÁ CẢ HÀNG HÓA VẪN “LẶNG THINH"

Mặc dù giá các mặt hàng xăng, dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm và giảm mạnh trong suốt gần 1 tháng qua, nhưng cước vận tải, thực phẩm, rau quả… vẫn “lặng thinh”, chưa hề có dấu hiệu giảm giá. Bài viết trên Báo điện tử VOV.

Ghi nhận những ngày qua nhiều trung tâm thương mại, hệ thống phân phối bán lẻ đã tiết giảm tối đa chi phí và lợi nhuận để giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng, song, tỷ lệ này là quá nhỏ. Theo Báo điện tử VOV, Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có xăng dầu. Khi xăng dầu tăng 10% tạo áp lực tăng giá trực tiếp lên các loại hàng hóa khoảng 3-4%. Mặc dù rất thông cảm với doanh nghiệp, tiểu thương khi hàng loạt nguyên, vật liệu đầu vào đều có sự gia tăng về giá. Song, giới phân tích khẳng định, Rất nhiều loại hàng hoá, dịch vụ đã tạo lập một “mặt bằng giá mới”, cao hơn nhiều so với đà tăng của giá xăng, dầu.  

TRÁNH NHẦM “ĐIỂM SÀN” VỚI ĐIỂM CHUẨN ĐẦU VÀO

Nhiều trường đại học đã thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, việc này là cần thiết, đồng thời có những phân tích, dự báo điểm chuẩn năm nay, từ đó đưa ra lời khuyên với thí sinh. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Theo đó, với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp 3 môn đăng ký trong Đề án tuyển sinh, thí sinh phải đạt từ 20 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường; còn với phương thức kết hợp (có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT) thì tổng điểm 2 bài thi/môn thi (gồm môn Toán và môn còn lại trong tổ hợp đăng ký xét tuyển, không bao gồm môn Ngoại ngữ) phải đạt từ 13 điểm trở lên. Báo Giáo dục và Thời đại đề cập, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không phải là điểm chuẩn trúng tuyển, thí sinh tránh nhầm lẫn hai khái niệm này. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là mức điểm để nhận hồ sơ xét tuyển, hay còn gọi là “điểm sàn”. Còn điểm chuẩn được hiểu là mức điểm trúng tuyển mà thí sinh đủ điều kiện làm thủ tục xác nhận nhập học để trở thành sinh viên của trường.