Điểm báo quốc tế 27/04: Đức đồng ý viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Nga cắt khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria; Đức đồng ý viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine; EU cảnh báo chủ sở hữu mới của Twitter; Singapore cảnh báo các vụ lừa đảo bằng công nghệ; Nguy cơ khan hiếm nguồn cung dầu ăn toàn cầu;... là những nội dung quốc tế chính đáng chú ý.

NGA CẮT KHÍ ĐỐT ĐẾN BA LAN, BULGARIA

Nga thông báo, bắt đầu từ hôm nay, nước này sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Theo The Guardian, cả Bulgaria và Ba Lan đều đã xác nhận thông tin nói trên. Nga hiện đang cung cấp 55% lượng khí đốt hàng năm cho Ba Lan, trong khi với Bulgaria là 90%. Chính phủ 2 nước cho biết là đã có sự chuẩn bị và không để người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phía tập đoàn Gazprom của Nga vẫn chưa lên tiếng về thông tin dừng chuyển khí đốt cho hai nước.

ĐỨC ĐỒNG Ý VIỆN TRỢ VŨ KHÍ HẠNG NẶNG CHO UKRAINE

Đức đã đồng ý viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine sau nhiều tuần trì hoãn. Đây được xem là một sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này.

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã công bố việc chuyển giao hệ thống pháo phòng không Gepard cho Ukraine. Hãng tin CNN cho hay, đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine. Các hệ thống Gepard vốn đã bị loại bỏ dần trong quân đội Đức từ năm 2010.

EU CẢNH BÁO CHỦ SỞ HỮU MỚI CỦA TWITTER 

Liên minh châu Âu EU vừa lên tiếng cảnh báo Elon Musk rằng, mạng xã hội Twitter mà tỷ phú này sắp mua lại phải tuân thủ các quy tắc kỹ thuật số mới của khối, hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị phạt nặng, hay thậm chí là bị cấm hoạt động ở thị trường châu Âu. 

Tờ Financial Times dẫn lời ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách chính sách công nghiệp của EU - khẳng định, cho dù cổ đông là ai đi chăng nữa thì Twitter vẫn phải tuân thủ các quy tắc và nghĩa vụ khi hoạt động tại châu Âu, bao gồm vấn đề kiểm duyệt, thuật toán công khai, quyền tự do ngôn luận, minh bạch, phát ngôn thù địch, phát tán nội dung khiêu dâm và quấy rối. Nếu không tuân thủ, Twitter sẽ bị nhận mức phạt tương đương với 6% doanh thu, nếu tái phạm, sẽ bị cấm hoạt động tại châu Âu. 

SINGAPORE CẢNH BÁO CÁC VỤ LỪA ĐẢO BẰNG CÔNG NGHỆ

Các chiêu trò lừa đảo bằng công nghệ đã gây thiệt hại hơn 5 triệu USD cho Singapore kể từ đầu năm nay. Đây là thông tin vừa được cảnh sát và Cơ quan An ninh mạng Singapore (CSA) đưa ra. 

Theo Channel News Asia, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, ít nhất 154 người đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo công nghệ. Những kẻ lừa đảo tiếp cận người dùng với lý do hỗ trợ giải quyết các vấn đề về máy tính hoặc wifi. Sau đó, yêu cầu người dùng tải xuống ứng dụng truy cập từ xa như Teamviewer, Ultraviewer hoặc AnyDesk. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các ứng dụng này để chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các khoản phí gian lận đối với thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của nạn nhân. Trước tình trạng này, giới chức Singapore cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác. 

NGUY CƠ KHAN HIẾM NGUỒN CUNG DẦU ĂN TOÀN CẦU

Dầu ăn là thứ không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng sắp tới, nhiều gia đình có thể phải cắt giảm việc sử dụng dầu ăn bởi nguồn cung mặt hàng này đang ngày càng bị thu hẹp. Đặc biệt là từ ngày mai, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ và dầu ăn của Indonesia bắt đầu có hiệu lực. Báo chí quốc tế đã có một số bài viết phân tích về chủ đề này.

Trang mạng Al Jazeera có bài viết đánh giá, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đang khiến giá dầu ăn toàn cầu tăng vọt. Không chỉ gây tổn hại cho các nhà xuất nhập khẩu, theo bài viết, động thái này sẽ gây áp lực lên giá thực phẩm toàn cầu, tác động mạnh tới những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước phát triển và những nước phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tình cảnh khan hiếm hàng hóa và gây ra tình trạng mua hàng tích trữ trong hoảng loạn. Các chuyên gia cảnh báo, lệnh cấm này có thể làm trầm trọng thêm những lo ngại về mất an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh thời tiết bất lợi và cuộc giao tranh tại Ukraine. 

Bài viết mang tựa đề “Khủng hoảng dầu ăn làm trầm trọng thêm nạn đói trên thế giới” trên Bloomberg cho hay, Indonesia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất - loại dầu ăn được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Do đó, lệnh cấm của Indonesia đã khiến giá dầu giao sau của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục cao nhất trong ngày thứ ba liên tiếp. Tại Anh, một số siêu thị đang hạn chế người dân mua dầu ăn, chẳng hạn như dầu hướng dương, ôliu và hạt cải. 

Bên cạnh đó, những bất ổn về thời tiết tại các nhà sản xuất dầu ăn lớn trên thế giới đang làm tăng thêm nỗi lo thiếu hụt dầu ăn. Theo đó, cải dầu của Canada đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, khi hạn hán tàn phá khiến cây trồng trên khắp các thảo nguyên Bắc Mỹ bị thu hẹp. Trong khi, giá dầu cọ ở châu Á đã tăng khoảng 50% và hạt cải dầu ở châu Âu tăng thêm 55% trong 12 tháng qua. Do đó, giới phân tích cho rằng, lệnh cấm của Indonesia chắc chắn sẽ làm ‘trầm trọng thêm’ lạm phát thực phẩm vốn đã ở mức cao kỷ lục, kéo theo đó là làm gia tăng lo ngại về chi phí và tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. 

Anh Tuấn