Điểm báo quốc tế 3/7: Giới siêu giàu mất 1.400 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022

Trung Quốc nới lỏng quy định nhập cảnh cho công dân Mỹ; Hàn Quốc tham gia hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số Covid-19 của EU; Anh cam kết tạo ra 30.000 việc làm trong lĩnh vực xe điện; Giới siêu giàu mất 1.400 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022; Ngành du lịch Đông Nam Á hồi phục mạnh mẽ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên mặt báo ngày 3/7.

TRUNG QUỐC NỚI LỎNG QUY ĐỊNH NHẬP CẢNH CHO CÔNG DÂN MỸ

Hãng tin Reuters đưa tin, Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Mỹ, theo đó, cho phép công dân Mỹ được nhập cảnh Trung Quốc nếu quá cảnh qua nước thứ 3.

Theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, công dân Mỹ nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, muốn nhập cảnh vào Trung Quốc, có thể đăng ký để được cấp Mã sức khỏe xanh nhập cảnh Trung Quốc đối với cả trường hợp bay thẳng từ Mỹ hoặc từ nước thứ 3. Trước đó, Trung Quốc chỉ cấp mã xanh cho người bay thẳng từ Mỹ. Trên thực tế, các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào Trung Quốc cùng với số lượng có hạn các chuyến bay từ Mỹ tới Trung Quốc đã khiến giá vé giữa hai nước này lên tới 10.000 USD.

HÀN QUỐC THAM GIA HỆ THỐNG CHỨNG CHỈ KỸ THUẬT SỐ COVID-19 CỦA EU

Kể từ ngày 1/7, Hàn Quốc chính thức tham gia hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số COVID-19 của Liên minh Châu Âu (EU). Kết nối với hệ thống này sẽ cho phép chứng chỉ tiêm chủng được cấp tại Hàn Quốc có giá trị ở các nước EU và ngược lại. Tin trên tờ Korea Herald. 

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa Hàn Quốc và các quốc gia thành viên EU. Theo đó, chủ sở hữu chứng chỉ sẽ được miễn các hạn chế đi lại như xét nghiệm hoặc kiểm dịch. Chứng chỉ có hiệu lực trong vòng 9 tháng, kể từ khi hoàn thành tiêm chủng. Tháng trước, Hàn Quốc đã loại bỏ yêu cầu kiểm dịch đối với cả khách du lịch đã tiêm phòng và chưa tiêm phòng, tuy nhiên du khách vẫn phải nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 trước và sau khi đến.

ANH CAM KẾT TẠO RA 30.000 VIỆC LÀM TRONG LĨNH VỰC XE ĐIỆN

Anh sẽ tạo ra 30.000 việc làm tại các siêu nhà máy sản xuất pin xe điện. Đây là cam kết vừa được Công đảng Anh đưa ra trong bối cảnh nước này đang tụt hậu so với các đối thủ châu Âu về năng lực sản xuất xe điện.

Theo tờ The Guardian, để hiện thực hóa tuyên bố này, Công đảng cam kết sẽ xây dựng thêm 3 siêu nhà máy sản xuất pin xe điện vào năm 2025, đồng thời cảnh báo Anh đang tụt hậu trong cuộc đua cắt giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu. Để khuyến khích người dân sử dụng xe điện, Công đảng sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất dành cho những người có thu nhập từ thấp và trung bình, muốn mua xe điện mới hoặc đã qua sử dụng. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt chi phí, tạo việc làm và giúp đạt được cam kết đưa mức phát thải ròng về 0. 

GIỚI SIÊU GIÀU MẤT 1.400 TỶ USD TRONG NỬA ĐẦU NĂM 2022

Hãng tin Bloomberg đưa tin, 500 người giàu nhất thế giới đã mất 1.400 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong 6 tháng từ trước tới nay đối với giới siêu giàu toàn cầu.

Cụ thể, tài sản của tỷ phú Elon Musk sụt giảm gần 62 tỷ USD. Tỷ phú Jeff Bezos mất khoảng 63 tỷ USD. Trong khi, giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã giảm hơn một nửa. Bloomberg phân tích, chỉ 2 năm trước, vận may thuộc về giới siêu giàu khi chính phủ các nước và ngân hàng trung ương tung ra các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện các nhà hoạch định chính sách đang tiến hành tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng vọt, khiến các tỷ phú gặp không ít khó khăn.

NGÀNH DU LỊCH ĐÔNG NAM Á HỒI PHỤC MẠNH MẼ

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Đóng cửa biên giới, các hạn chế đi lại và biện pháp giãn cách xã hội đã gây thiệt hại hành cho ngành công nghiệp không khói, đặc biệt ở Đông Nam Á. Sau 2 năm gần như đóng băng, ngành du lịch Đông Nam Á trong năm 2022 đang dần hồi sinh, khi các nước trong khu vực đồng loạt mở cửa. Báo chí quốc tế đã có một số bài phân tích xung quanh vấn đề này. 

Trong bài viết với tiêu đề “Ngành du lịch Đông Nam Á đang dần phục hồi”, Reuters lấy dẫn chứng, lượng đặt vé máy bay quốc tế đến Đông Nam Á đạt 38% so với mức trước đại dịch vào cuối tháng 3/2022. Singapore và Philippines dẫn đầu khu vực về số lượng khách đặt phòng tăng mạnh. Động lực giúp ngành du lịch phục hồi là các nước tiến hành dỡ bỏ một số hạn chế đi lại và các quy định phòng dịch nghiêm ngặt. 

Bài viết cho hay, khác với trước đây, khách du lịch Trung Quốc thường chiếm đa số, thì trong năm nay, một phần ba số du khách đến Đông Nam Á là từ châu Âu, tăng từ mức 22% vào năm 2019, trong khi du khách Bắc Mỹ tăng hơn gấp đôi từ 9% lên 21%. Khách du lịch đến từ châu Á chỉ chiếm 24%. Nguyên nhân là, một số nước trong khu vực như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì các hạn chế đi lại do tình hình dịch bệnh phức tạp.

Cũng phân tích về vấn đề này, hãng tin CNBC nhận định, sau hơn hai năm thực hiện các lệnh phong tỏa và kiểm soát biên giới, Đông Nam Á cuối cùng cũng chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc trong ngành du lịch. Theo đó, Singapore, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến nhất trong năm nay. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự phục hồi du lịch của châu Á chậm hơn so với các châu lục khác vì phụ thuộc vào du khách quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc, cũng như các chính sách mở cửa trở lại khác nhau của từng nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự hồi sinh của ngành du lịch Đông Nam Á cũng phải đối mặt với những cơn gió ngược khác như: chi phí và lãi suất tăng, lạm phát và nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế. Ngoài ra, sự thiếu nhân lực trong ngành du lịch hàng không cũng là một trở ngại khi nhiều lao động trong ngành này đã phải nghỉ việc hoặc bị cắt giảm trong 2 năm qua do tác động của Covid-19.

Đinh Giang