Điểm báo quốc tế: Fed xem xét tiếp tục tăng lãi suất

Ukraine kêu gọi tăng cường viện trợ vũ khí; Fed xem xét tiếp tục tăng lãi suất; WHO kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu các bệnh nhiệt đới; CEO Tiktok sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ; Tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển và tác động đến an ninh khu vực ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 31/1/2022.

UKRAINE KÊU GỌI TĂNG CƯỜNG VIỆN TRỢ VŨ KHÍ

Ba Lan sẵn sàng cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sau khi quốc gia này kêu gọi Mỹ và Châu Âu tăng cường cung cấp vũ khí cho quân đội nước này.

Tờ The Guardian dẫn lời Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết, Kiev đã nhận được phản hồi tích cực từ Warsaw liên quan đến khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan đã tái khẳng định sẽ chỉ hành động sau khi đã tham vấn các đồng minh NATO. Ukraine đã bắt đầu kêu gọi Mỹ và các đồng minh NATO tăng cường viện trợ khí tài trong đó đặc biệt là máy bay chiến đấu ngay sau khi Mỹ và Đức công bố sẽ chuyển một số xe tăng tấn công chủ lực cho nước này.

FED XEM XÉT TIẾP TỤC TĂNG LÃI SUẤT

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trần lãi suất tham chiếu cùng với một số điều chỉnh khác trong thời gian tới.

Trang AP News thông tin, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định quá trình khống chế lạm phát và ổn định nền kinh tế Mỹ vẫn đang diễn ra. FED dự kiến sẽ tăng lãi suất ngắn hạn từ 4,5% lên 4,75%, mức cao nhất từng được ghi nhận trong 15 năm qua. Các nỗ lực làm chậm nền kinh tế để kìm hãm lạm phát của FED đang dần cho thấy hiệu quả khi chi tiêu và làm phát đang giảm dần, điều này cũng cho thấy tín hiệu rằng FED sẽ cần thận trọng hơn nữa trong việc điều chỉnh lãi suất để tránh đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

WHO KÊU GỌI ĐẨY MẠNH NGHIÊN CỨU CÁC BỆNH NHIỆT ĐỚI

Tổ chức Y tế Thế giới WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh đầu nghiên cứu các loại hình bệnh nhiệt đới nhằm đảm bảo miễn dịch toàn cầu.

WHO cho biết nhóm các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTD) là một nhóm bệnh đa dạng, bao gồm sốt xuất huyết, phong và dại. Các loại hình bệnh NTD thường xuất hiện ở các khu vực thiếu nguồn nước sạch và thiếu hụt hệ thống y tế dự phòng hiệu quả như các quốc gia kém phát triển. Thống kê ước tính 1,65 tỷ người mắc các loại bệnh nhiệt đới trong năm 2021, trong đó 857 triệu người ở khu vực Đông Nam Á và 584 triệu người tại Châu Phi.

CEO TIKTOK SẼ ĐIỀU TRẦN TRƯỚC QUỐC HỘI MỸ

Giám đốc điều hành Tiktok sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ liên quan đến các lo ngại về an toàn dữ liệu người sử dụng.

Reuters dẫn lời bà Cathy McMorris Rodgers - Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng cho biết, CEO của Tiktok sẽ điều trần trước quốc hội nước này trong ngày 23/3 tới. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về dự luật nhằm đình chỉ hoạt động của Tiktok tại Mỹ vì các lo ngại về an ninh dữ liệu. Về phần mình, Tiktok khẳng định các cáo buộc doanh nghiệp này cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc là vô căn cứ và không đúng sự thật.

TIẾN TRÌNH GIA NHẬP NATO CỦA PHẦN LAN, THỤY ĐIỂN VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN AN NINH KHU VỰC

Chặng đường gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan tiếp tục gặp nhiều trở ngại do các bất đồng giữa Ankara và Stockholm. Nhiều quan điểm cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ làm chậm tiến trình gia nhập liên minh của 2 quốc gia này khiến an ninh khu vực đối mặt nhiều mối đe dọa. Báo chí thế giới đã có một số bài phân tích về vấn đề này.

Ankara đã đưa ra tín hiệu có thể chấp thuận yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan trước Thụy Điển nếu toàn bộ liên minh và 2 quốc gia này đồng thuận. Xung đột giữa Ankara và Stockholm liên quan đến các nhóm phần tử mà Thổ Nhĩ Kỳ định danh là khủng bố, đỉnh điểm là cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm và Copenhagen do một nhóm chống Hồi giáo tổ chức. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Phần Lan khẳng định, quốc gia này sẽ chỉ gia nhập liên minh quân sự nếu cả Phần Lan và Thụy Điển đều được kết nạp trong cùng 1 thời điểm.

Trong một bài viết với nhan đề: “NATO không nên để Erdogan đình chỉ sự mở rộng của liên minh”, tác giả bài viết đánh giá NATO cần đứng ra giải quyết các tranh chấp giữa quốc gia và sớm kết nạp thêm thành viên. Tác giả cho rằng sự không đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gây nguy hiểm cho các nỗ lực trở thành thành viên của các nước Bắc Âu, điều này cũng khiến an ninh của Châu Âu gặp rủi ro. Sự chậm trễ trong việc bổ sung thêm Phần Lan và Thụy Điển sẽ khiến NATO mất đi lợi thế về năng lực tình báo và quân sự đáng kể, đặc biệt khi các nguồn lực của liên minh đang bị căng ra để hỗ trợ Ukraine. Bên cạnh đó, do từ bỏ chính sách trung lập, Phần Lan và Thụy Điển đang chịu nhiều sức ép từ phía Nga, điều này có thể sẽ quan hệ giữa phương Tây và Nga ngày càng trở nên xấu đi.

Tác giả bài viết bày tỏ quan điểm rằng Mỹ và các quốc gia thành viên NATO nên tạo sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tạm dừng bán khí tài cho Ankara, buộc quốc gia này phải phê chuẩn yêu cầu gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển trước mốt tròn 1 năm kể từ khi 2 quốc gia này đề nghị gia nhập vào ngày 18/5 tới.

Kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO là bước đi cần thiết để đảm bảo an ninh khu vực và tăng cường khả năng phòng thủ của Châu Âu trước các mối đe dọa trong tương lai. Tác giả nhận định việc một thành viên liên minh cố tình gây tổn hại đến an ninh của toàn khối hoàn toàn không phải là đồng minh.

Hoàng Lịch