Điểm báo quốc tế trưa 16/03: Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO

Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO; NATO họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 24/3; Xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng tới ngành vũ trụ thế giới; Chính phủ Puerto Rico chính thức thoát khỏi tình trạng phá sản; Illumina thử nghiệm đa gene để phát hiện các bệnh ung thư hiếm gặp... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo trưa 16/03/2022.

Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO

Mở đầu phần điểm báo quốc tế hôm nay là thông tin liên quan đến tình hình xung đột Nga – Ukraine. Tờ The Guardian đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng Ukraine sẽ không trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Theo The Guardian, tại cuộc họp với các lãnh đạo của Lực lượng Viễn chinh Liên hợp do Anh dẫn dắt vào hôm 15/3, Tổng thống Ukraine khẳng định cần phải chấp nhận thực tế Ukraine không thể gia nhập NATO được nữa. Tổng thống Zelensky cho biết thêm, Ukraine sẽ không kêu gọi kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể. Tờ The Guardian cũng cho biết tuần trước, ông Zelensky đã nói rằng, mình đã "mất hứng" về ý tưởng đưa Ukraine gia nhập khối quân sự NATO, đồng thời khẳng định không muốn làm lãnh đạo của một nước "phải cầu xin một điều gì đó".

NATO họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 24/3

 Thông tin trên tờ The Brussel Times cho biết NATO sẽ họp thượng đỉnh bất thường với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24/3 tới tại trụ sở ở Brussels, Bỉ để bàn thảo tình hình xung đột tại Ukraine.

The Brussel Times dẫn thông cáo của NATO cho biết, nội dung cuộc họp sẽ tập trung phân tích và đánh giá về hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine, khẳng định sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine và tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ trước nguy cơ an ninh mới. NATO cũng như Mỹ nhiều lần khẳng định, sẽ không đưa lực lượng đến Ukraine, nhưng sẽ bảo vệ “từng tấc” lãnh thổ của các quốc gia thành viên. 

Xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng tới ngành vũ trụ thế giới

Kể từ năm 2000, khi những nhà du hành vũ trụ đầu tiên tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), nơi đây thường cố gắng tránh xa các bất đồng chính trị dưới mặt đất, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine có thể thay đổi điều đó. Đây là vấn đề đang được các hãng truyền thông quốc tế quan tâm trong những ngày này. 

Washington Post đăng tải bài viết với tiêu đề “Phi hành gia NASA thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian bất chấp căng thẳng giữa Nga và Mỹ”. Tại sao Washington Post lại đặt tiêu đề như vậy, theo bài viết, là vì xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga lên đến mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Điều đó gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối tác trong không gian của các quốc gia, vốn đã tồn tại trong hơn hai thập kỷ. Bài viết dẫn lời ông Joel Montalbano - Giám đốc chương trình trạm không gian của NASA cho biết “Tất cả các hoạt động này đã diễn ra trong vòng 20 năm và không có gì thay đổi trong ba tuần qua”. Trên thực tế, mọi hoạt động của Nga hay Mỹ trên trạm vũ trụ ISS đều phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, một số cố vấn của NASA cho rằng, cơ quan này cần có những kế hoạch dự phòng cần thiết trong trường hợp xấu nhất.

Không chỉ liên quan đến quan hệ hợp tác vũ trụ giữa Nga và Mỹ, tại châu Á, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm những giải pháp thay thế cho việc sử dụng tàu vũ trụ của Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo bài viết trên Nikkei Asia, các nhà khai thác vệ tinh đang cố gắng loại bỏ các dịch vụ phóng của Nga mà họ vốn tin cậy từ lâu. Với các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm thanh toán xuyên biên giới và những tổn hại tiềm tàng về danh tiếng, việc kinh doanh với Nga trở nên quá rủi ro. Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đang cố gắng duy trì quan điểm hợp tác không gian với Nga ở mức thấp, thì các nhà khai thác vệ tinh Nhật Bản sẽ xem xét các lựa chọn khác ngoài Nga để phóng vệ tinh. Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc cho biết họ có thể hủy hợp đồng với Nga trong trường hợp xấu nhất và tìm các giải pháp thay thế ở Mỹ và ở châu Âu.

Chính phủ Puerto Rico chính thức thoát khỏi tình trạng phá sản

Chính phủ Puerto Rico đã chính thức thoát khỏi tình trạng phá sản, hoàn thành việc tái cơ cấu nợ công lớn nhất trong lịch sử sau tuyên bố gần 7 năm trước rằng họ không thể trả khoản nợ hơn 70 tỷ USD. Thông tin được đăng tải trên trang mạng của Al Jazeera. 

Al Jazeera cho biết, thông báo chính thức thoát tình trạng phá sản của chính phủ Puerto Rico, đồng nghĩa với việc nước này đã có khả năng quay trở lại thực hiện các nghĩa vụ tài chính, như thanh toán trái phiếu chính phủ hay giải quyết các khiếu nại trị giá hàng tỷ USD của cá nhân cũng như các doanh nghiệp. Bài viết dẫn lời Giám đốc điều hành của Ban kiểm soát liên bang cho biết “Đây là một thành công đáng kể”. Tuy nhiên, triển vọng sớm quay trở lại thị trường tài chính thế giới của Puerto Rico vẫn còn khá xa vời. Trước đó, vào năm 2017, chính phủ Puerto Rico tuyên bố phá sản để tái cấu trúc lại khoản nợ công khổng lồ lên tới 70 tỷ USD.

Illumina thử nghiệm đa gene để phát hiện các bệnh ung thư hiếm gặp

Tiếp theo là một tin tốt cho những bệnh nhân ung thư. Hãng tin Reuters đưa tin, những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư hiếm gặp sẽ có cơ hội lựa chọn phương pháp điều trị, thông qua quá trình kiểm tra một loạt các gene ức chế khối u trong một mẫu mô. 

Theo bài viết được đăng tải trên trang mạng Reuters, bộ xét nghiệm toàn diện của hãng I-lu-mi-na có khả năng tìm ra nhiều đột biến hơn bất kỳ bộ dụng cụ nào hiện có. Reuters nhận định, bộ xét nghiệm được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp dược phẩm đang nỗ lực phát triển các loại thuốc điều trị ung thư chính xác cho các nhóm bệnh nhân được phân hóa kỹ lưỡng thông qua hồ sơ di truyền. Illumina cho biết đang chuẩn bị nộp đơn xin phê duyệt theo quy định của Mỹ cho bộ xét nghiệm ung thư này vào cuối năm nay.

Ô nhiễm không khí có thể gây trầm cảm ở thanh thiếu niên

Không chỉ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về thể chất con người việc tiếp xúc với ôzôn từ ô nhiễm không khí có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên, ngay cả ở những khu vực đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ.

Trang Scitech Daily (Xai-tếch Đây-li) đăng tải bài viết với tiêu đề “Ô nhiễm không khí liên quan đến phát triển các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên”. Theo bài viết, các tác giả nghiên cứu nhận thấy rằng những thanh thiếu niên sống ở những khu vực có nồng độ ozone tương đối cao hơn cho thấy các triệu chứng trầm cảm gia tăng đáng kể theo thời gian. Theo đó, các triệu chứng trầm cảm này có thể biểu hiện như cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ hoặc có ý định tự tử. Phát hiện trên cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe tinh thần, bên cạnh sức khỏe thể chất.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam