Điểm báo Quốc tế trưa 17/04: Triều Tiên thử hệ thống vũ khí dẫn đường chiến thuật

Triều Tiên tiến hành phóng thử một loại “vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới”; Nổ tàu chở dầu ở Hồng Kông; 373 triệu người ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả; Tỷ phú Ukraine cam kết tái thiết Mariupol; Phần Lan và Thuỵ Điển cân nhắc gia nhập NATO... là những tin quốc tế đáng chú ý trưa 17/04.

TRIỀU TIÊN THỬ HỆ THỐNG VŨ KHÍ DẪN ĐƯỜNG CHIẾN THUẬT

Tờ The Japan Times dẫn thông tin từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA. Theo đó, vụ thử đã diễn ra thành công. Phía Hàn Quốc xác nhận, Bình Nhưỡng đã phóng hai vật thể và bay được quãng đường 110km, đạt độ cao nhất là 25km với tốc độ Mach 4. Trong khi đó, phía Mỹ và Nhật Bản chưa xác nhận vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên.”

NỔ TÀU CHỞ DẦU Ở HONG KONG 

Ít nhất 1 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong một vụ nổ tàu chở dầu ở phía Đông Hong Kong. South China Morning Post cho hay, vụ nổ xảy ra trên tàu chở dầu Chuang Yi, tại địa điểm cách thành phố 300 km về phía Đông. Hai trực thăng và 1 máy bay cánh cố định đã được điều đến để cứu hộ.  Vụ nổ khiến một thủy thủ thiệt mạng. Một người khác trên tàu bị bỏng cấp độ hai, thương tích khoảng 30% cơ thể. Hiện chưa có thông báo về nguyên nhân gây vụ nổ.

373 TRIỆU NGƯỜI Ở TRUNG QUỐC ẢNH HƯỞNG BỞI LỆNH PHONG TOẢ

Khoảng 373 triệu người dân ở 45 thành phố, đóng góp 40% GDP hàng năm của Trung Quốc, đang bị đặt dưới các lệnh phong tỏa với các mức độ khác nhau. Tin trên tờ Bangkok Post.

Ngân hàng Nomura của Nhật Bản ước tính, 26,4% dân số Trung Quốc đang phải đối mặt các lệnh phong tỏa toàn diện hoặc một phần, trong bối cảnh Bắc Kinh kiên trì với chính sách Zero-Covid. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung tâm tài chính và thương mại Thượng Hải và nhiều khu vực khác đã bị phong tỏa kể từ ngày 28/3, khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. 

TỶ PHÚ UKRAINE CAM KẾT TÁI THIẾT THÀNH PHỐ MARIUPOL

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, tỷ phú giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov đã cam kết giúp tái thiết thành phố Mariupol.

Ông Akhmetov đã chứng kiến đế chế kinh doanh của mình bị tàn phá nặng nề sau 8 năm xung đột ở miền đông Ukraine nhưng vẫn kiên trì niềm tin vào ngày hồi phục. Reuters dẫn lời ông Akhmetov cho hay, mong muốn của ông là trở lại Mariupol và thực hiện các kế hoạch sản xuất mới để thép do Mariupol sản xuất có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu như trước đây. Theo tạp chí Forbes, giá trị tài sản ròng của Akhmetov năm 2013 đạt 15,4 tỷ USD, nhưng hiện chỉ ở mức 3,9 tỷ USD.

TẠI SAO PHẦN LAN VÀ THỤY ĐIỂN CÂN NHẮC GIA NHẬP NATO

Trong những ngày gần đây, các cuộc tranh luận xung quanh việc từ bỏ mô hình trung lập, nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nóng lên ở cả Phần Lan và Thuỵ Điển. Vậy nguyên nhân gì khiến Phần Lan và Thuỵ Điển cân nhắc khả năng gia nhập NATO và quyết định này sẽ tác động như thế nào đến cục diện an ninh Châu Âu? Báo chí quốc tế đã có một số bài phân tích xung quanh vấn đề này.

Một bài viết trên trang mạng Politico chỉ ra rằng chiến dịch đặc biệt của Nga đã làm thay đổi quan điểm dư luận ở Thuỵ Điển và Phần Lan về việc trở thành thành viên của NATO. Báo cáo mới đây của chính phủ Phần Lan đánh giá "tình hình an ninh ở Châu Âu và Phần Lan hiện nghiêm trọng và khó đoán định hơn thời Chiến tranh lạnh". Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm "gia tăng lo ngại về an ninh trong khu vực".

Nhận định tương tự cũng được đưa ra trong bài viết nhan đề “Đoàn kết và sức mạnh: Tại sao Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO?” trên trang mạng Al Jazeera. 

Bài viết đánh giá việc Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ tăng cường sự hiện diện của khối này tại khu vực Baltic. Sức mạnh của NATO cũng được củng cố khi cả 2 nước đồng thời sở hữu lực lượng quân sự tân tiến và đào tạo bài bản. 

Theo một bài viết trên trang DW, "nếu Phần Lan gia nhập, NATO sẽ xích lại gần Nga hơn bao giờ hết". Mà cụ thể, biên giới phía Đông Bắc của khối này chỉ cách thành phố St Petersburg của Nga 200km. Nga rõ ràng là không ủng hộ bước đi này. Bài viết dẫn lời thư ký báo chí của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cảnh báo "việc NATO mở rộng sẽ không mang lại sự ổn định cho lục địa Châu Âu".

Đinh Giang