Điểm báo sáng 16/10: Tạo sức mạnh liên kết để phát triển du lịch

Tạo sức mạnh liên kết để phát triển du lịch; Quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thuỷ sản; Gỡ rào cản cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; Cần gỡ điểm “Nóng” nhất để xăng dầu ổn định... là những nội dung đáng chú ý trong mục điểm báo sáng 16/10.

TẠO SỨC MẠNH LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Thay vì cách vận hành “Mạnh ai người đấy làm”, việc phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 đang tạo ra những mối liên kết giữa các vùng, địa phương, doanh nghiệp lữ hành... Ở đó, bên cạnh việc bắt tay cùng nhau vượt khó còn đang tạo ra sự đa dạng, phong phú trong các sản phẩm du lịch. Thông tin đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết.

Theo đó, nhiều vấn đề về liên kết vùng đã được đưa ra bàn thảo nhưng chưa tạo ra sản phẩm liên kết theo đúng yêu cầu du lịch, các sản phẩm liên kết còn hời hợt, hình thức, chương trình du lịch xuyên tỉnh, liên vùng đạt hiệu quả chưa cao. Du lịch muốn phát triển nhưng còn nhiều khó khăn hiện hữu cả về nguồn lực, trình độ, cơ chế, sự không đồng nhất giữa các bộ ngành, không có thiết chế điều tiết. Điều đó đòi hỏi phải có sự đổi mới cả về cơ chế, thể chế, đầu tư, bộ máy, con người, những vấn đề chung cần phải phối hợp liên kết với nhau.

QUYẾT LIỆT GỠ THẺ VÀNG IUU CHO NGÀNH THUỶ SẢN

 Dự kiến cuối tháng 10/2022, Phái đoàn của Ủy ban Châu Âu sẽ tới Việt Nam để khảo sát tình hình thực hiện khuyến cáo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Các tỉnh đang nỗ lực gỡ thẻ vàng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và cần hơn nữa sự quyết tâm và hành động quyết liệt của các địa phương trong tháng cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng thực hiện quy định.

Theo đại diện Tổng cục Thuỷ sản cho biết, hiện công tác gỡ thẻ vàng vẫn còn nhiều tồn tại. Các cảng cá được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu do khá xập xệ. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cảng yếu, không có cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát. Kinh phí các địa phương dành cho kiểm soát yếu, hệ thống máy tính, mạng rất chậm, không đủ. Công tác đào tạo nhân sự chuyên về kiểm soát chất lượng hiện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhiều tàu thậm chí không lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, hoặc tháo thiết bị lắp từ tàu này lên các tàu khác... Nhằm phục vụ tốt nhất cho các buổi làm việc với Uỷ ban Châu Âu vào cuối tháng 10, trong đợt kiểm tra tới, các địa phương cần nhanh chóng rà soát toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứng minh liên quan đến chống khai thác IUU để cung cấp, báo cáo khi EC yêu cầu.

GỠ RÀO CẢN CHO DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO 

Hiện nay nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao muốn mở rộng sản xuất trên diện tích lớn đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định về đất đai.

Theo một số chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) nên đồng bộ hóa thể chế, pháp luật về đất đai, bảo đảm nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Việc cấp đất, giao đất, cho thuê đất, tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng địa phương để khắc phục tình trạng giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất thì không thể tiếp cận. Đồng thời bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Một điểm mới nữa là mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

CẦN GỠ ĐIỂM “NÓNG” NHẤT ĐỂ XĂNG DẦU ỔN ĐỊNH

Nhiều nhà bán lẻ xăng dầu tiếp tục phản ánh đang gặp khó khăn vì chiết khấu từ đơn vị cung cấp thấp hoặc không có chiết khấu, nguồn cung từ nhà cung cấp nhỏ giọt. Bài viết được đăng tải trên báo Pháp luật.

Theo các chuyên gia, nguồn cung xăng dầu khó khăn đúng là do các yếu tố khách quan từ địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, điểm nóng nhất là hoa hồng giữa DN đầu mối với các cửa hàng bán lẻ có thời điểm 0 đồng thì họ không thể nào trụ nổi vì càng bán càng lỗ. Vấn đề này xuất phát từ việc Nhà nước quản lý xăng dầu thông qua DN đầu mối, sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn và quy định giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, công thức tính giá cơ sở xăng dầu chỉ mới dừng lại đảm bảo có lãi cho DN đầu mối, còn từ DN đầu mối tới DN bán lẻ lại thực hiện theo cơ chế thỏa thuận về hoa hồng chiết khấu. Với cơ chế này, các DN đầu mối sử dụng lợi thế về nguồn cung để ép nhà bán lẻ. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải gỡ ngay chỗ nóng này bên cạnh nguồn cung. Cụ thể là liên bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, tính toán xác định một khung hoa hồng cho DN bán lẻ trên cơ sở đảm bảo lợi ích các bên.