Điểm báo: Thanh lọc thông tin “bẩn” trên mạng xã hội

Thanh lọc thông tin “Bẩn” trên mạng xã hội; Doanh nghiệp hướng sang sản xuất xanh; Từ cầm đồ đến tín dụng đen; Ngăn chặn lừa đảo len lỏi trường học... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo sáng 11/4.

THANH LỌC THÔNG TIN “BẨN” TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Sự phát triển chóng mặt của TikTok và các mạng xã hội khác tại ViệtNam đã kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đó là tình trạng tin giả, tin sai sự thật, phản cảm... đang xuất hiện tràn lan trên nền tảng này, từ đấy tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết cơ quan quản lý Nhà nước đang gặp khó khăn khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rà quét nội dung xấu, độc khó áp dụng trên nền tảng video như TikTok. Bởi nền tảng này có thuật toán được coi như một cách "lách" công cụ rà quét, khiến công tác xử lý lâu hơn. Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng như TikTok, nếu không hợp tác chủ động chặn, lọc triệt để bằng các thuật toán thì những việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả. Việc đấu tranh với những sai phạm trên các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook... sẽ bằng kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, truyền thông và sự tham gia của cả xã hội. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các bậc cha mẹ cần phải vào cuộc. Khi câu chuyện này trở thành đòi hỏi của cuộc sống, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những biện pháp mạnh để xử lý. Hiện nay các quy định pháp luật, quy trình thủ tục đã có đầy đủ để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, bao gồm chặn những nền tảng vi phạm pháp luật.

DOANH NGHIỆP HƯỚNG SANG SẢN XUẤT XANH

Nhằm đáp ứng các tiêu chí xanh cũng như xu hướng tiêu dùng xanh của các thị trường nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thay đổi tư duy, cách làm, chuyển dần sang sản xuất xanh, bền vững. Tuy nhiên, đây là “cuộc chơi” nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách làm bài bản trước yêu cầu khắt khe của thị trường.

Theo bài viết, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, từ đó hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Với tiềm lực hạn chế về tài chính và công nghệ, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững là điều không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc chơi, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng. Ngoài việc tăng cường sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, tiết kiệm năng lượng, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; đồng thời, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chú trọng xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế.

TỪ CẦM ĐỒ ĐẾN TÍN DỤNG ĐEN

Từ cầm đồ đến tín dụng đen, thông tin đáng chú ý trên báo Đại đoàn kết.

Gần đây, qua phát hiện của lực lượng chức năng cho thấy Nhiều cơ sở dịch vụ cầm đồ hoạt động với lãi suất ẩn dưới các loại phí lên đến 100%, gấp 5 lần chuẩn cho vay nặng lãi theo quy định. Có nơi còn tính lãi đến 1.000%/năm. Người vay không tính toán kĩ hoặc không biết tính toán; kể cả cơ quan chức năng nếu chỉ nhìn vào hợp đồng đơn thuần sẽ bỏ qua mánh khóe mang tính bóc lột, tín dụng đen của cơ sở cầm đồ. Trong nhiều trường hợp, người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3 – 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, lãi mẹ đẻ lãi con lên tới hơn 1.500%/năm. Từ đó dẫn tới việc nhiều người mất khả năng trả nợ. Đây chính là lúc xuất hiện việc mua bán nợ và dịch vụ đòi nợ thuê hoành hành. Do vậy người dân cần tỉnh táo và thận trọng khi vay tại các tiệm cầm đồ.

NGĂN CHẶN LỪA ĐẢO LEN LỎI TRƯỜNG HỌC

Nâng cao nhận thức cho học sinh trước những chiêu thức lừa đảo của kẻ xấu luôn được ngành Giáo dục và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Sự chủ động, kịp thời của cơ sở giáo dục đã góp phần ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, tại TPHCM và một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng: Gọi điện lừa đảo cha mẹ học sinh; tiếp cận học sinh đang đợi người thân đến đón hay dụ dỗ học sinh dùng thuốc lá điện tử; học sinh bị ngộ độc khi dùng quà từ người lạ... Trước chiêu thức lừa đảo lan rộng, các trường nhanh chóng phát đi thông tin cảnh báo đến phụ huynh. Lãnh đạo sở, ban, ngành cần chỉ đạo các trường tăng cường quản lý học sinh trong trường học cũng như lưu ý công tác liên lạc thông tin xuyên suốt giữa nhà trường, phụ huynh để đảm bảo an toàn cho các em từ nhà đến trường và ngược lại.