Điểm báo: Tiêm vaccine Covid-19 thời điểm này có cần thiết?

Tiêm vaccine Covid-19 thời điểm này có cần thiết?; Bức tranh toàn cảnh dân số của Việt Nam nói lên điều gì?; Biệt thự cũ Hà Nội: Hiểu sâu sắc để bảo tồn nguyên vẹn; Vì sao người Việt chưa mặn mà với bảo hiểm nhân thọ?... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo sáng 18/04.

TIÊM VACCINE COVID-19 THỜI ĐIỂM NÀY CÓ CẦN THIẾT?

Dịch Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại trong những ngày gần đây. Người dân đang thắc mắc về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 vào thời điểm này thì sao? Liệu có cần thiết hay không? Báo Lao động có bài viết về vấn đề này.

Báo Lao động trích dẫn ý kiến PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nhận định, cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng hiện tại như thế nào, chủng mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine hay không, đồng thời đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch. Chuyên gia này cho rằng, Dịch Covid-19 sẽ không mất đi, việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết. Quan trọng là xác định nên tiêm cho đối tượng nào, theo lịch như thế nào, đặc biệt là nhóm người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…

BỨC TRANH TOÀN CẢNH DÂN SỐ CỦA VIỆT NAM NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

 Dự báo trong tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu, chính thức trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Giới chuyên gia nhận định, con số 100 triệu này vừa là cơ hội vừa là thách thức của Việt Nam. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Đáng chú ý trong bức tranh dân số Việt Nam là yếu tố dân số trong độ tuổi lao động tăng cao, đạt trên 60 triệu, chiếm hơn 60% tổng dân số, cung cấp nguồn vốn nhân lực dồi dào cho đất nước. Theo báo điện tử VOV, Dân số gia tăng đặt áp lực lên các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, môi trường ngày càng lớn và có thể dẫn đến nguy cơ quá tải áp lực dân số trên các nguồn lực. Nếu không kiểm soát tốt có thể khai thác quá mức giới hạn, gây hủy hoại tài nguyên, môi trường. Điều này đã từng xảy ra rất nhiều trong lịch sử. Quy mô dân số đạt 100 triệu người là một dấu mốc quan trọng, mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức.

BIỆT THỰ CŨ HÀ NỘI: HIỂU SÂU SẮC ĐỂ BẢO TỒN NGUYÊN VẸN

Liên quan đến việc dự án biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đang trong quá trình tu bổ và màu sắc công trình được dư luận quan tâm, báo Đại đoàn kết có bài viết về chủ đề này. Theo báo Đại đoàn kết, điều cốt lõi để bảo tồn nguyên vẹn các biệt thự được xây dựng từ thời Pháp là cần hiểu sâu sắc giá trị văn hoá của những biệt thự này.

Theo báo Đại đoàn kết, Biệt thự cũng giống như con người, người già thì cần được chăm sóc, tức là phải có sự trùng tu, bảo dưỡng thì mới bền được. Nhưng trước khi thực hiện việc trùng tu, cần phải hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa cốt lõi của biệt thự cũ thì mới có thể bảo tồn vẹn nguyên giá trị của nó. Dù khoảng 30 năm nay Hà Nội rất quan tâm đến bảo tồn các căn biệt thự cũ và các công trình kiến trúc được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhưng do nguồn lực, khả năng và nhiều vấn đề khác nên công tác bảo tồn vẫn chưa thực sự tốt.

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CHƯA MẶN MÀ VỚI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đang trở thành lựa chọn phổ biến của cuộc sống hiện đại. Tại Việt Nam, tuy là một nước đang phát triển nhưng tỷ lệ dân số tham gia BHNT còn rất thấp. Vậy đâu là nguyên nhân? Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Thời gian qua, lùm xùm diễn viên Ngọc Lan "tố" bảo hiểm nhân thọ MVI đã phần nào phản ánh những bất cập, hạn chế của ngành BHNT. Theo Báo Kinh tế và đô thị, Điều này khiến nhiều người vốn có cái nhìn thiếu thiện cảm với bảo hiểm, thì nay càng mất niềm tin, e dè khi cân nhắc tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Không chỉ tồn tại nhiều vấn đề về hợp đồng, ngành bảo hiểm còn đang bị mất điểm trong mắt khách hàng vì hệ thống đại lý thiếu chuyên nghiệp. Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng đại lý bảo hiểm “sớm nở, tối tàn”, nhiều ý kiến cho rằng, với đa số sản phẩm bảo hiểm đang được bán, doanh nghiệp chỉ trả hoa hồng cho 5 năm đầu hoặc 3 năm đầu với một số sản phẩm. Việc phân bổ hoa hồng cao trong năm đầu và thấp dần ở các năm sau chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số tư vấn viên cố bán bảo hiểm rồi “đem con bỏ chợ”