Điểm mù giao thông: Khi tham gia giao thông theo kiểu "ú òa"

Chắc hẳn trong chúng ta khi còn nhỏ ai cũng đã từng chơi trò ú òa. Và trong giao thông cũng không ít tình huống giống như vậy. Chỉ có điều, nó không vui như trò chơi của trẻ em, mà thay vào đó là những thiệt hại cho người và phương tiện do không làm chủ tốc độ và không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông.

Trong tất cả các tình huống dẫn đến tai nạn giao thông, có lẽ những tình huống mà chủ phương tiện tự gây tai nạn sẽ để lại những bài học nhớ đời nhất. Không va chạm với ai tự nhiên lại tốn tiền sửa lại xe là một cảm giác rất khó tả. Hãy cùng xem người điều khiển phương tiện đã làm gì với chiếc xe tội nghiệp của mình trong tình huống này. 
Mọi người thấy tốc độ của chiếc xe thế nào ạ? Phải nói là quá nhanh…
Nếu không đâm vào cột điện thì không biết sự việc sẽ dẫn đến đâu nữa. Có lẽ chủ nhân chiếc xe đang vội trên đường đi bán cổ phiếu nên đã không làm chủ được tốc độ. Phóng nhanh, vào cua tốc độ cao là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.
Nhưng nếu nhìn nhận kỹ thì chủ phương tiện còn mắc khá nhiều lỗi vi phạm trong tình huống này, điển hình là: vượt sai quy định. Đối với các trường hợp cấm vượt. Cấm vượt khi có chướng ngại vật phía trước, có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt. Xe chạy trước có tín hiệu vượt xe khác và chưa tránh về bên phải. Trên cầu hẹp có một làn xe. Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế. Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt xe.
Ngoài chi phí sửa chữa lại cho xế yêu, nếu bị xử lý thì chủ xe còn đối diện với mức phạt từ 3-5 triệu đồng nếu gây tai nạn cho người khác thì mức phạt còn tăng cao hơn.
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng chơi trò ú òa. Khi đang đi hoặc đứng ở đâu đó, bất ngờ có người chạy ra hù. Và trong giao thông cũng không ít tình huống giống như vậy. Điển hình như tình huống sau đây. Sự xuất hiện bất ngờ của xe ô tô màu đỏ di chuyển từ trong ngõ ra ngoài đường đã tạo thành cú va chạm mạnh, không rõ tình hình của các chủ phương tiện thế nào sau cú đâm nhưng cả 2 chiếc xe thì đều đã hư hỏng rất nặng.
Khi di chuyển từ trong ngõ hẻm ra đường lớn, để tránh tai nạn ai cũng hiểu là phải giảm tốc độ và chú ý quan sát. Cùng với đó là việc phát tín hiệu cho các phương tiện khác sớm phát hiện tình huống. 
Đường là của chung chứ không phải của riêng ai mà muốn đi thế nào thì đi. Chúng ta hãy tiếp tục xem 1 tình huống tương tự. Cũng đi từ trong ngõ ra và đi thẳng một mạch sang đường. Thanh niên điều khiển xe đạp điện đã bị ô tô đâm trúng. 
Hãy cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm để hạn chế các vụ tai nạn xảy ra theo cách này.
Phương tiện lưu thông trong khu dân cư, có nhiều ngõ ngách dọc hai bên đường chính cần tập trung quan sát, giảm tốc độ. Do các khu vực này thường hạn chế, khuất tầm nhìn. 
Giảm tốc độ sẽ giúp người chủ phương tiện chủ động làm chủ tay lái và dừng xe khi có các chướng ngại bất ngờ xuất hiện. 
Với ô tô, khi đi qua những khu vực này nên điều khiển xe vào giữa đường, không nên đi sát 2 bên lề. 
Đường ngõ là đường nhánh, nên vì vậy, khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ đi ra, người lái xe phải nhường đường cho các phương tiện đang đi ở đường chính. 
Nhường đường không chỉ là nét đẹp trong văn hóa giao thông mà còn cần được chấp hành theo đúng những quy định về bảo đảm an toàn./.