Điểm tin quốc tế 1/5: Nga nêu điều kiện nối lại đàm phán với Ukraine

Nga nêu điều kiện nối lại đàm phán với Ukraine; Ấn Độ thu giữ 725 triệu USD từ công ty Trung Quốc vì chuyển tiền trái phép; Bảo vệ người lao động trong thời kinh tế số; Singapore phát hiện ca bệnh viêm gan lạ đầu tiên; Đằng sau chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc... là những tin tức đáng chú ý trên thế giới trưa 1/5/2022.

NGA NÊU ĐIỀU KIỆN NỐI LẠI ĐÀM PHÁN VỚI UKRAINE 

Nga đã nêu điều kiện để nối lại đàm phán hoà bình với Ukraine. Đó là phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Từ ngày 29/3 đến nay, chưa có cuộc đàm phán trực tiếp nào diễn ra giữa 2 bên. 

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga cho biết, “đại diện Nga và Ukraine đang thảo luận trực tuyến hàng ngày về dự thảo của một hiệp ước hòa bình khả thi, bao gồm các vấn đề phi hạt nhân hóa, công nhận các thực tế địa chính trị mới, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”. Dù vậy, nhà đàm phán cấp cao của Ukraine lại bác bỏ thông tin này, khẳng định Ukraine cùng các đối tác sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm phù hợp.

ẤN ĐỘ THU GIỮ 725 TRIỆU USD TỪ CÔNG TY TRUNG QUỐC VÌ CHUYỂN TIỀN TRÁI PHÉP 

Ấn Độ cho biết nước này đã thu giữ 725 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng tại Ấn Độ của Công ty Xiaomi (Trung Quốc), sau khi một cuộc điều tra phát hiện Xiaomi gửi tiền ra nước ngoài trái phép.

Theo Nikkei, Cơ quan điều tra tội phạm tài chính của Ấn Độ đã thu giữ số tiền 725 triệu USD từ chi nhánh địa phương của Xiaomi sau khi phát hiện công ty đã chuyển tiền cho 3 thực thể có trụ sở ở nước ngoài. Nikkei dẫn lời đại diện Cơ quan này cho biết, số tiền khổng lồ này đã được gửi đi theo hướng dẫn của các thực thể liên quan đến công ty mẹ ở Trung Quốc, dưới danh nghĩa tiền bản quyền. Hiện Xiaomi chưa đưa ra phản hồi về thông tin thu giữ mới nhất này.

BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG THỜI KINH TẾ SỐ 

Nhân ngày quốc tế lao động 1/5, tờ South China Morning Post đăng một bài viết, trong đó kêu gọi quyền cho người lao động, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế số và các công nghệ mới đang bùng nổ như hiện nay. 

Theo tác giả bài viết, tự động hoá trong các ngành công nghiệp ngày càng phổ biến, làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp. Tác giả dẫn ước tính của Diễn đàn kinh tế thế giới, theo đó đến năm 2025 sẽ có 85 triệu việc làm bị ảnh hưởng vì tự động hoá và công nghệ mới. Để người lao động tiếp tục được làm việc, họ cần bổ sung các kỹ năng, đồng thời luật lao động phải thích ứng với những điều kiện mới. Bài viết cho rằng, luật bảo vệ quyền của người lao động cần phải được cập nhật và được thực thi bởi các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc. 

SINGAPORE PHÁT HIỆN CA BỆNH VIÊM GAN LẠ ĐẦU TIÊN 

Bộ Y tế Singapore thông báo, một trẻ sơ sinh ở nước này đã phải nhập viện vì nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Đây là ca nghi ngờ mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đầu tiên được báo cáo ở Singapore. Thông tin trên tờ Straits Times.

Theo đó, bé trai 10 tháng tuổi nhập viện ngày 25/4, đã từng mắc Covid-19, đang được tiếp tục thăm khám để xác định xem có biểu hiện bệnh giống với các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hay không. Hiện thế giới đã ghi nhận hơn 200 trường hợp nghi ngờ và có khả năng mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em 17 quốc gia. Điều tra ban đầu cho thấy, các trường hợp này có thể liên quan đến adeno - loại virus phổ biến thường gây bệnh đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa.

ĐẰNG SAU CHÍNH SÁCH “KHÔNG COVID” CỦA TRUNG QUỐC 

Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 29/4, các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã quyết định nước này sẽ kiên trì chiến lược "Zero Covid" linh hoạt, khẳng định đây là biện pháp sẽ bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân cũng như giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, nhiều tờ báo đã có các bài phân tích về chính sách này, cho rằng nó không chỉ ảnh hưởng tới người dân Trung Quốc mà còn với cả thế giới.

Bài viết trên tờ Korea Herald phân tích, trong hơn hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch luôn là “Zero Covid”, và chính sách này đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus vào năm 2020, khi chưa có vaccine và tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay, khi hầu hết các ca nhiễm đều bắt nguồn từ biến thể Omicron tương đối nhẹ và 88% người dân Trung Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ, chính sách này đã gây ra sự gián đoạn cho hàng triệu người. 

Chỉ riêng tại Thượng Hải, thành phố kinh tế lớn của Trung Quốc, các dây chuyền lắp ráp của Tesla, Volkswagen, Apple và các thương hiệu lớn khác đã tạm ngừng hoạt động. Chuỗi cung ứng đình trệ, hàng trăm container bị mắc kẹt, đang tác động không chỉ đối với nền kinh tế Trung Quốc mà còn cả thế giới.

Bài phân tích trên Financial Times cũng chỉ ra rằng, việc phong tỏa Thượng Hải và các thành phố khác rõ ràng là một vấn đề kinh tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4,8% xuống 4,4% cho cả năm - mức giảm mạnh so với mức 8,1% được công bố năm ngoái, gây tổn hại cho cả Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Ting Lu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura, dự đoán rằng tăng trưởng GDP trong quý 2 năm nay của nước này sẽ giảm xuống 1,8%, giảm mạnh so với mức 4,8% trong quý đầu tiên. Với những thiệt hại như vậy, Trung Quốc giờ đây sẽ phải tìm cách vừa duy trì chính sách “Zero Covid”, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Anh Tuấn