Điểm tin quốc tế 3/6: Mỹ xảy ra hàng loạt vụ xả súng khiến nhiều người bị thương

Mỹ phản đối lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc đơn phương áp đặt ở biển Đông; EU thông qua gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga; OPEC+ đồng ý tăng sản lượng dầu thô lên 648.000 thùng/ngày; Tiếp tục xảy ra xả súng hàng loạt tại Mỹ khiến nhiều người bị thương,... là những tin quốc tế nổi bật ngày 3/6.

MỸ PHẢN ĐỐI LỆNH CẤM ĐÁNH BẮT CÁ TRUNG QUỐC ĐƠN PHƯƠNG ÁP ĐẶT Ở BIỂN ĐÔNG

Channel News Asia dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price viết trên mạng xã hội Twitter: “Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế và luật pháp quốc tế". Quan chức ngoại giao Mỹ "đề nghị Trung Quốc tuân thủ những nghĩa vụ của họ theo quy định của luật pháp quốc tế”. Trước đó, hôm 31/5, Philippines đã triệu một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đến để phản đối tuyên bố cấm đánh bắt cá đơn phương của Bắc Kinh. 

EU THÔNG QUA GÓI TRỪNG PHẠT THỨ 6 CHỐNG LẠI NGA

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng thuận với lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào cuối năm 2022. Lệnh trừng phạt mới nhất của EU sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga cho liên minh gồm 27 quốc gia, với 450 triệu dân này. Vòng trừng phạt thứ 6 cũng bao gồm việc ngắt ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank - khỏi hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT. Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác đã đảm bảo được quyền miễn trừ đối với dầu nhập khẩu qua các đường ống mà họ dựa vào.

OPEC+ ĐỒNG Ý TĂNG SẢN LƯỢNG DẦU THÔ LÊN 648.000 THÙNG/NGÀY

Xinhua cho biết OPEC+ đã đã đồng thuận tăng sản lượng khai thác dầu lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hằng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, tuyên bố của tổ chức này không xác nhận mức tăng sản lượng 648.000 thùng / ngày trong tháng 8. Kế hoạch sản xuất của OPEC+ trong tháng 8, theo thông lệ của nhóm, sẽ được công bố tại cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo, được triệu tập vào ngày 30/6.

TIẾP TỤC XẢY RA XẢ SÚNG HÀNG LOẠT TẠI MỸ KHIẾN NHIỀU NGƯỜI BỊ THƯƠNG

Cảnh sát cho biết có 5 người bị thương. Mức độ của các vết thương và danh tính của những người bị thương vẫn chưa được biết. Vụ xả súng xảy ra ngày hôm qua 2.6, trong đám tang của Da’Shontay L. King Sr - một người đàn ông bị cảnh sát bắn chết hồi tháng 3. Vụ việc xảy ra sau các vụ xả súng hàng loạt ở Tulsa, Oklahoma; Buffalo, New York; Uvalde, Texas và New Orleans.

LHQ ĐỒNG Ý ĐỔI TÊN CHÍNH THỨC CỦA THỔ NHĨ KỲ THÀNH 'TÜRKIYE'

Aljazeera cho biết Liên hợp quốc đã thay đổi tên quốc gia của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại tổ chức từ “Thổ Nhĩ Kỳ” thành “Türkiye”, theo yêu cầu của Ankara về việc thay đổi này. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đệ đơn kiến nghị lên Liên hợp quốc (LHQ), yêu cầu thay đổi cách viết tên nước cộng hòa trong tất cả các văn bản quốc tế chính thức từ "Turkey" sang “Türkiye”. Người phát ngôn cho biết việc đổi tên quốc gia có hiệu lực kể từ thời điểm nhận được bức thư.

VÌ SAO KINH TẾ NGA VẪN ĐỨNG VỮNG TRƯỚC CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT?

Theo Business Standard, vào đầu tháng 3, Mỹ và các đồng minh tung ra một làn sóng trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang ngày thứ 100, Nga vẫn thu được số tiền mặt trung bình 800 triệu USD/ngày từ dầu và khí đốt. 

Trong nhiều năm, Nga hoạt động như một “siêu thị hàng hóa rộng lớn”, bán nhiều thứ mà thế giới cần, không chỉ năng lượng mà còn cả lúa mì, niken, nhôm và paladi. Business Standard nhận định, Nga khó có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Các công ty lớn đã rời khỏi Nga, nhiều người để lại khối tài sản hàng tỷ USD và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể đứng vững trước những thiệt hại này bởi ngân khố của Nga đang tràn ngập doanh thu từ hàng hóa, vốn sinh lợi hơn bao giờ hết nhờ giá cả toàn cầu tăng vọt, một phần do xung đột ở Ukraine. 

Ngay cả khi một số quốc gia ngừng hoặc loại bỏ việc mua năng lượng, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay, con số này sẽ vượt qua doanh thu của năm 2021 hơn 25%. Các nhà lãnh đạo EU biết rằng họ nên ngừng mua hàng hóa từ Nga và gián tiếp tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các nước EU cũng hiểu rằng sẽ có những hậu quả đối với nền kinh tế của chính họ nếu áp đặt biện pháp trừng phạt Nga.

Một trong những lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là việc các quốc gia khác sẵn sàng tiếp tục mua dầu. Theo CNN, sự mong muốn của Ấn Độ đối với dầu giá rẻ của Nga đang gia tăng, ngay cả khi phương Tây tiếp tục giáng đòn trừng phạt chưa từng có vào Moscow. Theo ước tính của Refinitiv, dòng dầu thô của Nga đến Ấn Độ đạt 3,36 triệu tấn trong tháng 5. Con số này cao hơn gần 9 lần so với mức trung bình hàng tháng của năm 2021 là 382.500 tấn.

Theo Reuters, Trung Quốc cũng đã tăng cường nhập khẩu và đang đàm phán để bổ sung kho dự trữ dầu thô chiến lược với dầu của Nga.

Thu Ngoan