Điểm tin quốc tế tối 03/04: Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine đạt tiến triển

Đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow đã đạt được những tiến triển nhất định; Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU - Trung Quốc tập trung thảo luận vấn đề Ukraine và kinh tế; người dân Hungary bầu cử Quốc hội; lệnh ngừng bắn tại Yemen đã chính thức có hiệu lực; nhiều nước châu Âu nới lỏng hạn chế phòng dịch; Hoa anh đào nở rộ tại Nhật Bản... là những tin tức quốc tế nổi bật.

ĐÀM PHÁN HÒA BÌNH NGA - UKRAINE ĐẠT TIẾN TRIỂN

Trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine diễn biến phức tạp, đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow đã đạt được những tiến triển nhất định. Theo đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia, các văn bản dự thảo hiệp ước hòa bình đã đạt đủ tiến bộ để cho phép cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo đó, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên thời gian hay địa điểm vẫn chưa được tiết lộ. Theo ông Arakhamia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine, và "dường như để xác nhận từ hai phía về việc họ sẵn sàng cho một cuộc gặp trong tương lai gần”.
Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine đã diễn ra tại Istanbul. Sau 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Mátxcơva và mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.

TRUNG QUỐC - EU CAM KẾT DUY TRÌ ĐỐI THOẠI

Trong tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU) – Trung Quốc lần thứ 23 đã diễn ra trong bầu không khí “cởi mở và thẳng thắn”, song chưa thực sự tạo bước ngoặt trong tháo gỡ những bất đồng bùng phát thời gian gần đây. Mặc dù vậy, những tín hiệu từ cuộc gặp vẫn cho thấy nền tảng vững chắc trong quan hệ song phương cũng như thiện chí duy trì đối thoại-hợp tác từ cả phía Brussels và Bắc Kinh để khẳng định vai trò trong thế giới nhiều biến động.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sau gần 2 năm. Trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đang chi phối đời sống chính trị - kinh tế quốc tế, không có gì ngạc nhiên khi EU nêu vấn đề Ukraine vào chương trình nghị sự của hội nghị vốn thường tập trung vào hợp tác kinh tế này. 

Ông CHARLES MICHEL, Chủ tịch Hội đồng châu Âu: “EU và Trung Quốc nhất trí rằng cuộc xung đột này đang đe dọa an ninh toàn cầu và nền kinh tế thế giới. Sự bất ổn toàn cầu này không vì lợi ích của Trung Quốc và cũng không phải lợi ích của EU. Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm với tư cách là tác nhân kép, làm việc vì hòa bình và ổn định”. 

Ngoài vấn đề Ukraine, hội nghị lần này cũng cho thấy giữa Trung Quốc và EU vẫn còn nhiều không gian đối thoại và hợp tác. Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh kể từ năm 2021, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và EU đã đạt được những bước tiến mới bất chấp nhiều thách thức, khó khăn. Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa đối với hai bên mà còn có ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới. 

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, EU và Trung Quốc cần tăng cường đối thoại và hợp tác, bảo đảm hòa bình và ổn định thế giới, cũng như phối hợp cùng nhau vượt qua các thách thức toàn cầu. EU sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ứng phó với đại dịch COVID-19, kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển đổi năng lượng, an ninh mạng và biến đổi khí hậu.

Ông WANG LUTONG, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Một tín hiệu rất quan trọng đi từ Hội nghị này là Trung Quốc và EU, sẽ cùng nhau hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định thế giới và thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới. Hai bên đã đạt được rất nhiều sự đồng thuận, cụ thể là chúng tôi sẽ tận dụng sự ổn định của quan hệ Trung Quốc-EU để đối phó với cuộc khủng hoảng quốc tế mà chúng ta đang đối mặt, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế với sự hợp tác thiết thực của quan hệ Trung Quốc-EU”.

Theo giới phân tích, kết quả của hội nghị dù chưa có câu trả lời rõ ràng cho những vấn đề đang bỏ ngỏ, tuy nhiên có thể thấy Brussels và Bắc Kinh không có ý định thay đổi hướng đi của mối quan hệ mà cả hai bên đều rất coi trọng này. 

BẦU CỬ QUỐC HỘI HUNGARY

Hôm nay, cử tri Hungary đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử quan trọng để quyết định Đảng cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Viktor Orban có thể tiếp tục nắm quyền sau 12 năm hay không, trong bối cảnh liên minh đối lập đang có khoảng cách sát sao sau các cuộc thăm dò trước đó.

Theo hầu hết các cuộc thăm dò trước bầu cử, Đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban đang chiếm lợi thế nhưng lần đầu tiên sau 12 năm cầm quyền, đảng Fidesz sẽ phải đối mặt nguy cơ thất bại với một liên minh đối lập thống nhất do Peter Marki-Zay đứng đầu đang nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân.

Cử tri Hungary: "Bởi vì trong suốt 12 năm, đất nước này đã rơi vào tình trạng khó khăn và chúng tôi muốn điều này thay đổi. Vì vậy, chúng tôi muốn mang lại nền dân chủ thực sự và một nhà nước phúc lợi mà chúng tôi tin rằng phe đối lập có thể làm được điều đó”

Theo giới phân tích, bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra vào phút cuối bởi những tác động của dịch bệnh trong 2 năm qua và cuộc xung đột tại Ukraine là những yếu tố khiến kết quả bầu cử khó đoán định hơn bao giờ hết cho dù Đảng cầm quyền vẫn đang có nhiều lợi thế.

Thủ tướng Hungary VIKTOR ORBAN: “Tôi đã rất nỗ lực để giành chiến thắng. Vì vậy, điều tôi mong đợi là một chiến thắng tuyệt vời. Đó là điều mà đất nước cần”. 

Trong vài trước ngày bầu cử, khoảng cách ủng hộ giữa Đảng cầm quyền và Liên minh đối lập đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 3%. Cụ thể, theo cuộc thăm dò mới nhất của Zavecz Research, đảng Fidesz dẫn đầu với 39% sự ủng hộ, trong khi phe đối lập giành được 36%. 

CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ HOAN NGHÊNH LỆNH NGỪNG BẮN TẠI YEMEN

Bắt đầu từ 19 giờ ngày 2/4 (giờ địa phương), lệnh ngừng bắn tại Yemen đã chính thức có hiệu lực. Người dân Yemen nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn này, coi đây là bước tiến quan trọng mở ra hy vọng về hòa bình tại quốc gia chìm trong xung đột suốt 7 năm qua.

Sau 7 năm chìm trong xung đột, người dân Yemen đã vỡ òa trong hạnh phúc khi các bên tham chiến đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 2 tháng, bắt đầu từ ngày 2/4.

Người dân Yemen: "Thỏa thuận ngừng bắn là điều tuyệt vời đối với chúng tôi và toàn bộ khu vực nói chung, trong đó có Bán đảo (Ả Rập) và vùng Vịnh. Đó là một điều tuyệt vời. Và chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ không chỉ kéo dài trong hai tháng, mà sẽ là vĩnh viễn vì người dân đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ”.

Xung đột nổ ra đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá là tồi tệ nhất thế giới. 

Người dân Yemen: “Đây là cơ hội để ngăn chặn chiến tranh. Chiến tranh sẽ phá hủy nhiều thứ, khiến mọi người sống trong cảnh hỗn loạn. chúng tôi không hề muốn điều đó”.

Về phía cộng đồng quốc tế, Đặc pháp viên của Mỹ về Yemen Tim Lenderking cho rằng lệnh ngừng bắn này là "bước đi đầu tiên" để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, thúc đẩy một tiến trình chính trị quá đó tạo ra diện mạo mới cho Yemen. 

Ông TIM LENDERKING, Đặc pháp viên của Mỹ về Yemen: Đây là thời điểm thích hợp. Nếu cộng đồng quốc tế và các bên có thể làm việc cùng nhau, thì chúng ta có thể xây dựng được một lệnh ngừng bắn, lâu dài và một tiến trình chính trị bao trùm để hình thành nên một Yemen mới và đó là điều tôi nghĩ tất cả chúng ta đều mong muốn”.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran, Iraq và Algeria cũng ra tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn, coi đây là bước ngoặt đầy triển vọng có thể mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông bị tàn phá trong nhiều năm này. 

NHIỀU NƯỚC CHÂU ÂU NỚI LỎNG HẠN CHẾ PHÒNG DỊCH

Tại châu Âu, ngày càng có nhiều quốc gia đã tiến hành dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có Hungary, Ba Lan, Đan Mạch và Iceland. Những điểm đến này không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm hoặc xác nhận tình trạng bệnh, thậm chí hầu hết không yêu cầu đeo khẩu trang.

Trong khi nhiều nước vẫn còn thận trọng hơn trong việc mở cửa biên giới, thì một số quốc gia và khu vực ở châu Âu đang dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trong mùa Xuân. Đan Mạch gần đây đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại, ngay cả đối với những công dân chưa được tiêm chủng từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).  Du khách cũng có thể đến hai quốc gia Bắc Âu khác là Iceland và Na Uy - một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ các hạn chế. 

Tại Trung Âu cũng có thể đi du lịch tự do, như từ các nước láng giềng của Séc đến Ba Lan và Slovakia, hoặc xa hơn đến Hungary. Ba Lan đã bãi bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng như Đan Mạch. Việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc ở bệnh viện và cơ sở y tế.

Các khu vực và quốc gia châu Âu khác không yêu cầu bất kỳ chứng chỉ hoặc hộ chiếu vaccine nào là Romania, Montenegro, Ireland, Vương quốc Anh và đảo Madeira (Bồ Đào Nha). Ngược lại, nội địa Bồ Đào Nha vẫn yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc xác nhận tình trạng bệnh.

RỰC RỠ MÙA HOA ANH ĐÀO TẠI NHẬT BẢN

Trong tuần qua, hàng nghìn người đã đổ về trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Bản để ngắm hoa anh đào khi các hạn chế COVID-19 áp dụng đối với Tokyo và 17 quận khác được dỡ bỏ vào tuần trước.

Quanh Cung điện Hoàng gia ở trung tâm Tokyo, nười dân đeo khẩu trang, đi dạo và chụp ảnh giữa những tán hoa anh đào nở rộ. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, hoa anh đào ở Tokyo năm nay nở vào 27/3, sớm hơn 4 ngày so với thường niên.

Người dân Nhật Bản: "Hoa anh đào đang nở rực rỡ. Thật là đẹp. thời tiết cũng rất lý tưởng"

Người dân Nhật Bản: “Tôi rất buồn mỗi khi xem tin tức chiến sự Ukraine. Năm nay, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi vẫn có thể đi ngắm hoa. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi có thể tận hưởng một cuộc sống hòa bình như thế này”.

Đi dã ngoại, ca hát, uống rượu và ngắm hoa anh đào nở trong công viên mỗi khi mùa xuân về là truyền thống lâu đời ở thủ đô Tokyo. Lệnh hạn chế Covid-19 áp đặt lên Tokyo và 17 tỉnh khác đã được dỡ bỏ tuần trước. Tuy nhiên, chính quyền thủ đô vẫn kêu gọi người dân hạn chế ăn uống ngoài trời để tránh lây lan dịch bệnh. 

Đinh Giang