Điểm tin quốc tế tối 20/3: Cứ 8 người Ukraine thì có 1 người phải rời bỏ quê nhà vì xung đột

Khoảng 5 triệu người Ukraine phải di dời vì xung đột; Chính phủ Nga phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động; Hàn Quốc chuyển Văn phòng Tổng thống; Trung Quốc phản đối Mỹ thu hồi giấy phép hoạt động của các công ty viễn thông; Thái Lan lên kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo được sử dụng; đội phi hành gia mới của Nga đến Trạm Vũ trụ quốc tế an toàn...là những tin tức quốc tế nổi bật.

Đã có 5 triệu người Ukraine phải di rời do xung đột

Người phát ngôn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Chris Melzer cho biết đã có khoảng 5 triệu người Ukraine phải di dời trong ba tuần qua do xung đột tại Ukraine, điều này có nghĩa là cứ 8 người Ukraine thì có một người phải di dời.

Cụ thể, có khoảng 3,2 triệu người tị nạn bên ngoài Ukraine và hai triệu người khác là những người di cư trong nước. Hầu hết những người này di tản sang các nước láng giềng của Ukraine như Rumani, Ba Lan, Slovakia, Moldova và Hungary, đặt gánh nặng lên chính phủ các quốc gia này nói riêng và toàn châu Âu nói chung về các thách thức xã hội và phân phối viện trợ.

Nga phân bổ hơn 39 tỷ rúp hỗ trợ thị trường lao động

Chính phủ Nga cho biết sẽ phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hơn 25,5 tỷ rúp sẽ được sử dụng để tạo việc làm tạm thời cho các công dân có nguy cơ bị sa thải, cũng như tổ chức các hoạt động công ích được trả công cho những người đã đăng ký với sàn giao dịch lao động để tìm việc làm mới. Đồng thời, hơn 7 tỷ rúp sẽ dành cho việc thực hiện các lĩnh vực khác. Theo đó, nhân viên của các doanh nghiệp công nghiệp có nguy cơ bị sa thải sẽ có thể học nghề hoặc học thêm. Phần còn lại của quỹ - gần 6 tỷ rúp - được phân bổ để tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận để thực hiện các khóa đào tạo lại. Sau khi hoàn thành, ít nhất 100.000 người nữa sẽ nhận được các kỹ năng theo yêu cầu và khoảng 75.000 người sẽ có thể bắt đầu doanh nghiệp của riêng họ hoặc đăng ký như những người làm tự do.

Trung Quốc phản đối Mỹ thu hồi giấy phép hoạt động của các công ty viễn thông

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Mỹ nên ngừng ngay việc áp dụng những nguyên tắc phi lý đối với các công ty Trung Quốc, chấm dứt chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời tạo môi trường công bằng và ổn định cho các công ty trên thế giới, trong đó có các công ty Trung Quốc hoạt động kinh doanh tại Mỹ. 

Trước đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã yêu cầu hai doanh nghiệp Trung Quốc là tập đoàn Pacific Network và công ty con Tín Thông của tập đoàn này chấm dứt cung cấp các dịch vụ liên lạc giữa các tiểu bang và quốc tế tại Mỹ trong vòng 60 ngày. Ủy ban này cũng đã thu hồi giấy phép kinh doanh của công ty viễn thông Châu Mỹ China Unicom, cấm công ty TNHH Hong Kong China Unicom hoạt động tại Mỹ. Ngoài ra, giấy phép kinh doanh của công ty TNHH di động Trung Quốc tại Mỹ cũng bị thu hồi với lý do vi phạm an ninh quốc gia.

Thái Lan: Tăng sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải

Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan cho biết nước này đang lập một kế hoạch phát triển điện năng mới để tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo được sử dụng cho sản xuất điện đạt 50% vào năm 2050 so với mức 20% vào năm 2021. Nếu Thái Lan có thể đạt được mục tiêu này, lượng khí thải từ sản xuất điện sẽ giảm xuống còn khoảng 35 triệu tấn vào năm 2043.

Các khu vực nhà nước và tư nhân ở Thái Lan đang đẩy mạnh những nỗ lực để mang lại cho đất nước một diện mạo mới sạch đẹp với các hoạt động kinh tế được thúc đẩy bởi năng lượng sạch, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về sản xuất điện tái tạo, thúc đẩy nhiên liệu sinh khối và xe điện. Việc này không chỉ là do trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đang bị thu hẹp, mà còn vì chính phủ muốn các khoản đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong quá trình phục hồi kéo dài trong năm tới. Một nỗ lực nhằm tăng cường nhiên liệu tái tạo trong danh mục năng lượng của đất nước là chương trình "Năng lượng cho mọi người" mà các nhà chức trách tin rằng sẽ là một mô hình mới cho sự bền vững trong kinh doanh.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn cho công chúng thăm quan

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 20/3 đã công bố quyết định chuyển Văn phòng Tổng thống đến tòa nhà mới của Bộ Quốc phòng nước này tại quận trung tâm Yongsan ở thủ đô Seoul nhằm giảm sự bất tiện cho người dân và mở cửa hoàn toàn cho công chúng thăm quan.

Phát biểu với báo giới, ông Yoon Suk-yeol cho biết sẽ chuyển đến tòa nhà mới ngay sau khi nhậm chức vào ngày 10/5. Và cũng vào ngày này, Phủ Tổng thống hay còn gọi là Nhà Xanh sẽ được mở cửa hoàn toàn cho công chúng thăm quan. Theo Chính phủ Hàn Quốc, việc chuyển Phủ Tổng thống sang Bộ Quốc phòng sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ won (tương đương 41 triệu USD). Khoản tiền này không bao gồm chi phí di chuyển các cơ sở quân sự ra khỏi khu phức hợp hiện tại. Khu phức hợp của Bộ Quốc phòng hiện nằm trên khu đất rộng 276.000m2 và đang là nơi làm việc của các bộ chỉ huy và đơn vị quân đội với khoảng 4.000 quân nhân và công chức.

Đội du hành vũ trụ mới của Nga đến Trạm Vũ trụ quốc tế an toàn

Ba phi hành gia người Nga đã đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) an toàn bằng tàu Soyuz  với sứ mệnh tiếp tục sự hiện diện chung của Nga và Mỹ trên quỹ đạo trong 20 năm qua. Chuyến bay kéo dài khoảng 3 giờ 10 phút sau khi tàu vũ trụ Soyuz chở các phi hành gia mới cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan vào ngày 18/3. Theo NASA, việc đến Trạm Vũ trụ Quốc tế, được xác nhận vào lúc 19h13 theo giờ GMT, diễn ra trong khi tàu Soyuz và trạm ISS đang bay khoảng 420 km (250 dặm) qua phía Đông Kazakhstan. Chỉ huy tàu Soyuz Oleg Artemyev dẫn đầu nhóm, cùng với phi hành gia mới Denis Matveev và Sergey Korsakov trong một nhiệm vụ khoa học kéo dài  6 tháng rưỡi./.

Quỳnh Hoa