Điểm tin quốc tế: Xả súng tại bang Indiana (Mỹ) làm 6 người thương vong

Xả súng tại bang Indiana (Mỹ) làm 6 người thương vong; Cháy rừng tại nhiều nước Châu Âu; Sri Lanka tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp; OPEC+ sẽ tiếp tục đánh giá các điều kiện thị trường dầu thô; Nhiều người Mỹ sống ở khu vực có nguy cơ cao nhiễm Covid-19; ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 18/7/2022.

XẢ SÚNG TẠI BANG INDIANA (MỸ) LÀM 6 NGƯỜI THƯƠNG VONG

Ba người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra tại một khu mua sắm ở bang Indiana, Mỹ. Theo cảnh sát địa phương, thủ phạm đã bị bắn chết bởi "một người có vũ trang" khác đang có mặt tại hiện trường. 

Cảnh sát trưởng Jim Ison cho biết, tay súng hành động đơn lẻ, trang bị một khẩu súng trường và một số băng đạn. Cảnh sát không tiết lộ tên của các nạn nhân, tay súng hay người có vũ trang ngoài cuộc. Vụ xả súng xảy ra trong bối cảnh các vụ xả súng ở trường học, nơi làm việc và các khu vực công cộng thường xuyên xảy ra tại Mỹ, gây xôn xao dư luận. 

CHÁY RỪNG TẠI NHIỀU NƯỚC CHÂU ÂU

Cháy rừng đã bùng phát trên khắp nước Pháp trong vài tuần qua, cũng như ở các nước Châu Âu khác như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha do nhiệt độ tăng cao. Hàng ngàn người đã buộc phải đi sơ tán. 

Hôm 17/7, các nhà chức trách đã phải sơ tán hàng nghìn người dân ở khu vực Tây Nam nước Pháp khi các nhân viên cứu hỏa tiếp tục chiến đấu với đám cháy rừng dữ dội. Cụ thể tại thị trấn Landiras, ít nhất 4.100 người đã được sơ tán, trong khi hơn 12.200 người đã được sơ tán khỏi vùng Gironde xung quanh kể từ tuần trước.

Tại Tây Ban Nha, hỏa hoạn bùng lên ở nhiều nơi sau nhiều ngày nhiệt độ cao bất thường lên tới 45,7 độ C. Tại tỉnh Malaga, hơn 3.000 người dân đã phải đi sơ tán do cháy rừng. Trong khi đó, ở Catalonia, hàng trăm lính cứu hỏa đã phải nỗ lực kiềm chế một đám cháy rừng đang nhanh chóng lan rộng gần các khu dân cư, buộc người dân phải sơ tán.

Tại Bồ Đào Nha, cháy rừng cũng hoành hành, thiêu rụi nhà cửa và đe dọa sinh kế người dân. Mùa cháy rừng năm nay bủa vây Tây Âu và nhiều vùng khác của Châu Âu sau một mùa xuân khô hạn và nóng bất thường. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của điều này là do biến đổi khí hậu do con người gây ra. 

SRI LANKA TIẾP TỤC BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP 

Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tiếp tục công bố lệnh tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế. Động thái trên nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn trước cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống mới tại quốc hội nước này vào cuối tuần. 

Các nhà lãnh đạo của Sri Lanka đã áp đặt tình trạng khẩn cấp nhiều lần kể từ tháng 4, khi các cuộc biểu tình của công chúng phản đối cách thức chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc và tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu liên tục xảy ra. Thông báo của chính phủ Sri Lanka nêu rõ: “Việc bảo vệ trật tự công cộng và duy trì các nguồn cung cấp và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng là rất cần thiết, vì lợi ích của công chúng.” Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia thứ hai được ông Wickremesinghe ban bố kể từ khi ông trở thành quyền Tổng thống, cũng là quyết định thứ tư được Sri Lanka áp dụng trong ba tháng qua. 

OPEC+ SẼ TIẾP TỤC ĐÁNH GIÁ CÁC ĐIỀU KIỆN THỊ TRƯỜNG DẦU THÔ

Cơ chế của OPEC+ vẫn hoạt động trong việc giám sát và phán đoán tình hình trên thị trường dầu thô quốc tế. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud.

Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh về An ninh và Phát triển Jeddah với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, Ai Cập, Iraq, Jordan và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo ông, các thành viên của OPEC+ đã có một cơ chế cố định để theo dõi và phán đoán tình hình trên thị trường dầu thô quốc tế và cho đến nay cơ chế này vẫn hoạt động. Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố này cho thấy Ả rập Xê út đã từ chối đề xuất tăng sản lượng dầu của tổng thống Mỹ Joe Biden. 

NHIỀU NGƯỜI MỸ SỐNG Ở KHU VỰC CÓ NGUY CƠ CAO NHIỄM COVID-19

Theo Báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố tổng cộng 1.143 hạt của Mỹ, bao gồm hơn một nửa dân số của đất nước, đã được phân loại là có nguy cơ cao nhiễm Covid 19, cao hơn 71% so với tuần trước. 

Dữ liệu từ Sở Y tế Công cộng của hạt Los Angeles – hạt lớn nhất cả nước với hơn 10 triệu dân - cho thấy, trung bình, hơn 6.400 trường hợp mắc mới hàng ngày được xác nhận với sự gia tăng đồng thời về số ca tử vong và các bệnh nghiêm trọng cần điều trị tại bệnh viện. Dữ liệu cho thấy số người chết hàng tuần do Covid-19 trong hai tuần đầu tiên của tháng 7 cao gấp ba lần cùng kỳ vào tháng Sáu. Kể từ đầu tháng 7, trung bình có hơn 100.000 trường hợp Covid mới được báo cáo mỗi ngày trên khắp nước Mỹ, phản ánh sự lây lan nhanh chóng của biến thể phụ Omicron BA.5. Theo các chuyên gia, số trường hợp thực tế có thể cao hơn nhiều, bởi vì nhiều người nhiễm bệnh không đi xét nghiệm hoặc không gửi kết quả dương tính từ xét nghiệm tại nhà. 

LỄ HỘI NƯỚC THƯỜNG NIÊN TẠI TÂY BAN NHA 

Hôm qua, hàng nghìn người dân Tây Ban Nha đã được giải nhiệt trong lễ hội nước thường niên, trong bối cảnh nước này đang phải chống chọi với cái nóng gay gắt. 

Hàng nghìn người đã tham gia lễ hội nước khi nhiệt độ lên tới gần 40 độ C. Trong "Trận chiến hải quân" Vallecas, người tham gia đã sử dụng súng nước, bình và xô để tấn công nhau trong đợt nắng nóng khắc nghiệt.  

Người dân Madrid: “Cái nóng quá khủng khiếp đối với chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải tìm kiếm các phương án thay thế như thế này”.

Cơ quan khí tượng AEMET của Tây Ban Nha cho biết đợt nắng nóng sẽ kết thúc vào ngày 18/7, mặc dù nhiệt độ vẫn sẽ cao ở một số vùng của đất nước. Lễ hội bắt nguồn từ năm 1982 sau khi một nhóm thanh niên quyết định chống lại cái nóng của thủ đô bằng cách mở các họng cứu hỏa của đại lộ.