Điểm tin thế giới chiều 31/03: Liên Hợp Quốc kêu gọi viện trợ nhân đạo Afghanistan

Liên Hợp Quốc ra thông báo kêu gọi quốc tế viện trợ Afghanistan do nước này đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực do hạn hán kéo dài và biến động chính trị. Cùng với đó là các tin tức nổi bật: EU kiểm tra đột xuất Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom ở Đức; Đạo luật Cạnh tranh Mỹ thúc đẩy sản xuất linh kiện bán dẫn; Anh suy giảm nguồn cung nông sản; hàng nghìn trận động đất tại quần đảo Arozes.

Liên Hợp Quốc ra thông báo kêu gọi quốc tế viện trợ Afghanistan. Quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực do hạn hán kéo dài và biến động chính trị.

Liên Hợp Quốc cho rằng Afghanistan cần 4,4 tỷ USD để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Khoản viện trợ này sẽ dùng để thúc đẩy nền kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản. Afghanistan đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 30 năm. Ước tính khoảng 23 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Trong khi đó, 10 triệu trẻ em cần viện trợ khẩn cấp để đảm bảo cuộc sống.

TẬP ĐOÀN KHÍ ĐỐT NGA BỊ EU ĐIỀU TRA ĐỘT XUẤT

Cơ quan quản lý chống độc quyền của EU đã tiến hành kiểm tra đột xuất trụ sở làm việc của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom ở Đức.

Nguồn tin của Reuters cho hay động thái trên liên quan tới cuộc điều tra của EU đối với Gazprom. Giới chức EU nghi ngờ công ty của Nga cố tình hạn chế nguồn cung, trong khi giá khí đốt tăng. Tại Châu Âu, các doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm các quy tắc chống độc quyền của EU sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu. Hiện cả Gazprom và Nga đều phủ nhận việc cố tình hạn chế nguồn cung khí đốt. 

 MỸ THÚC ĐẨY SẢN XUẤT THIẾT BỊ BÁN DẪN

Mới đây, Hạ viên Mỹ đã thông qua “Đạo luật Cạnh tranh Mỹ năm 2022”. Theo đó, nguồn ngân sách trị giá 52 tỷ USD sẽ được phân bổ để thúc đẩy sản xuất thiết bị linh kiện bán dẫn.

Hiện nay, Mỹ và Liên minh Châu Âu đang đẩy mạnh phát triển sản xuất thiết bị bán dẫn để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung tại châu Á. Nguồn ngân sách trị giá 52 tỷ USD được chính phủ Mỹ thông qua được coi là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa.

Linh kiện bán dẫn - bao gồm các loại chip - là thành phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, từ điện thoại thông minh đến ngành sản xuất ô tô. Đặc biệt, ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt chip, sản lượng có thể tiếp tục bị sụt giảm, thậm chí phải tạm dừng sản xuất. 

GlobalFoundries là 1 doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đại diện công ty, gần 50% nhu cầu thiết bị bán dẫn đến từ các tập đoàn Mỹ, nhưng nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng 12%.

 Ông TOM CAULFIELD, Giám đốc điều hành công ty GlobalFoundries, Mỹ: “Vào những năm 1990s, Mỹ có thể đáp ứng nguồn cung cho ngành này lên tới 37%. Tôi hy vọng những chính sách hỗ trợ mới có thể phục hồi lại giai đoạn này. Tuy nhiên, quy trình sản xuất chip là khá lâu và phức tạp. Phải mất 3 tháng để cho ra 1 con chíp bán dẫn hoàn chỉnh sau khi trải qua 1000 bước.

Sản xuất thiết bị bán dẫn đã trở thành ưu tiên chiến lược của EU và Mỹ, sau khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung, khiến các nhà máy rơi vào cảnh đình trệ và các kho hàng trống rỗng. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Biden chú trọng vào việc phân bổ đầu tư vào nâng cấp công nghệ sản xuất chíp, đồng thời mở rộng quy mô các nhà máy trong nước.

ANH: SUY GIẢM NGUỒN CUNG NÔNG SẢN VÌ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Nhiều hoạt động sản xuất đã bị gián đoạn do lạm phát tăng cao. Tại Anh, nhiều hộ trồng trọt nông sản đã không thể tiếp tục duy trì do giá cả leo thang.

Gia đình ông Tony Montalbano đã trồng dưa chuột tại Roydon ở Thung lũng Lea, phía đông bắc London trong 24 năm qua, trải qua 3 thế hệ. Vào năm ngoái, giá 1 trái dưa chuột tại Anh khoảng 25pence, hiện nay đã đẩy lên tới 70 pence. 

Ông TONY MONTALBANO, Chủ hộ trồng dưa, Anh: “Thật đáng buồn là giá xăng đẩy lên quá cao, khiến cho quá trình sản xuất nông sản tại nhà kính của tôi bị ngưng trệ. Tất cả 30.000 mét vuông nhà kính tại cơ sở kinh doanh Green Acre Salads của tôi hiện đều đang ngừng vận hành do không đủ trang trải chi phí nhiên liệu.

Chỉ tính riêng trong tháng 3/2022, giá khí đốt tại Anh đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ 2021. Kéo theo đó, giá phân bón và thuê nhân công đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Thực trạng mà gia đình ông Tony Montalbano đang phải đối mặt cũng là tình hình chung của nhiều hộ gia đình sản xuất nông sản khác tại Anh. Tất cả đều bị ảnh hưởng bởi lạm phát khi chi phí đắt đỏ, sản phẩm đưa ra thị trường không đem lại hiệu quả kinh tế.

Các chuyên gia đánh giá, bối cảnh trên đang đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia này. Tình trạng lạm phát có thể tồi tệ hơn gây sức ép lên người tiêu dùng. Theo đó, lạm phát ở Anh đạt mức cao nhất trong 30 năm là 6,2% vào tháng 2 vừa qua và được dự báo sẽ xuống gần 9% vào cuối năm 2022, góp phần khiến mức sống giảm mạnh nhất kể từ những năm 1950.

HÀNG NGHÌN CƠN ĐỊA CHẤN LIÊN TIẾP TẠI QUẦN ĐẢO AZORES

Trong tuần vừa qua, hàng nghìn trận động đất nhỏ đã xảy ra tại quần đảo đảo núi lửa nổi tiếng Arozes tại Bồ Đào Nha. Trước sự bất an của người dân, giới chức địa phương đã lên kế hoạch sơ tán các hộ dân để đảm bảo an toàn.

Trong 10 ngày qua, khoảng 2.000 trận động đất đã được ghi nhận tại đảo núi lửa Sao Jorge thuộc quần đảo Azores, Luis Silveira. Trung tâm giám sát địa chấn núi lửa trong khu vực cho biết đã bày tỏ mối lo ngại rằng các trận động đất nhỏ với cường độ từ 1,6 đến 3,3 độ richter có thể dẫn tới một cơn chấn động mạnh hơn hoặc một vụ phun trào núi lửa.

Đinh Phượng