Điểm tin thế giới tối 14/4: Tổng thống Ba Lan và Lãnh đạo các nước Baltic cam kết ủng hộ Ukraine

Tổng thống các quốc gia châu Âu gồm Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia cam kết ủng hộ Ukraine; liên hợp quốc đề xuất thiết lập cơ chế ngăn ngừa các sự cố liên quan đến Nga và Ukraine; Phần Lan và Thụy Điển cân nhắc việc gia nhập NATO; Mỹ thúc đẩy siết chặt trừng phạt Triều Tiên; các tổ chức quốc tế kêu gọi giải quyết vấn đề an ninh lương thực... là những tin tức quốc tế nổi bật.

TỔNG THỐNG BA LAN VÀ LÃNH ĐẠO CÁC NƯỚC BALTIC CAM KẾT ỦNG HỘ UKRAINE

Tổng thống các quốc gia châu Âu gồm Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đã có chuyến thăm mang tính biểu tượng tới Ukraine và có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kiev, Tổng thống Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đã cam kết ủng hộ Ukraine. Các nhà lãnh đạo đã tập trung vào cách thức hỗ trợ dân thường và quân đội ở Ukraine.

Tổng thống Latvia EGILS LEVITS: "Chuyến thăm chung lần này của bốn vị tổng thống châu Âu cho thấy mối quan hệ khăng khít nhất giữa các nước chúng ta với Ukraine và tình đoàn kết tuyệt vời đối với Ukraine trong hoàn cảnh khó khăn này."

 Trước đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier xác nhận ông cũng có kế hoạch tới Kiev để gửi đi thông điệp châu Âu đoàn kết với Ukraine, song không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Zelensky. Báo Bild của Đức cho rằng nguyên nhân khiến ông Zelensky không hoan nghênh chuyến thăm là do mối quan hệ thân thiết của Tổng thống Steinmeier với Nga trong những năm gần đây và việc ông ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2, với mục tiêu tăng gấp đôi lượng khí đốt vận chuyển từ Nga sang Đức.

LIÊN HỢP QUỐC ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ NGĂN NGỪA SỰ CÁC CỐ LIÊN QUAN ĐẾN NGA, UKRAINE

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết Liên hợp quốc đã đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các sự cố liên quan đến Nga và Ukraine.

Tổng Thư ký Guterres nêu rõ Liên hợp quốc đề xuất thiết lập cơ chế bao gồm Nga, Ukraine, Liên hợp quốc và các thực thể nhân đạo "nhằm kiểm soát và ngăn ngừa các sự cố có thể xảy ra." Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhận định khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine khó khả thi và hiện Liên hợp quốc vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ phía Nga cho đề xuất nhân đạo về sơ tán người dân và vận chuyển hàng cứu trợ tới những nơi đang cần.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: "Một lệnh ngừng bắn toàn cầu vào thời điểm hiện tại dường như là không thể. Nhưng có rất nhiều điều có thể được thực hiện để đảm bảo việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh."

Liên quan vấn đề người tị nạn Ukraine, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép người tị nạn Ukraine đổi miễn phí 10.000 hryvnias (khoảng 310 euro) sang tiền tệ của nước sở tại. Hội đồng châu Âu cho biết thỏa thuận trên đã được đệ trình để các quốc gia thành viên thông qua. Dự kiến, biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 19/4 tới nhằm tăng cường hỗ trợ những người tị nạn. 

PHẦN LAN VÀ THỤY ĐIỂN CÂN NHẮC VIỆC GIA NHẬP NATO

Phần Lan đang cân nhắc và sẽ quyết định liệu có gia nhập NATO hay không trong những tuần tới. Đây là tuyên bố mới nhất mà Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đưa ra về khả năng tham gia liên minh quân sự này. Không chỉ Phần Lan, Thụy Điển cũng đang cân nhắc thận trọng, mặc dù con đường trở thành thành viên NATO của hai quốc gia này đang có nhiều thuận lợi.

Trong nhiều thập niên qua, Phần Lan và Thụy Điển nổi tiếng với chính sách trung lập, nhưng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến hai quốc gia này phải suy nghĩ lại về cách thức tối ưu để đảm bảo an ninh quốc gia.

Thủ tướng Phần Lan SANNA MARIN: "Hiện có những quan điểm khác nhau về việc trở thành thành viên NATO hay không trở thành thành viên của khối này và chúng tôi phải phân tích tất cả những điều này rất cẩn thận. Chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận tại quốc hội Phần Lan trong những tuần tới”

Thủ tướng Thụy Điển MAGDALENA ANDERSSON: “Chúng tôi phải phân tích tình hình để xem điều gì là tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển, cho người dân Thụy Điển trong tình hình mới này, và không nên vội vàng mà hãy làm điều đó thật nghiêm túc, đó là cách tôi làm việc với tư cách là thủ tướng Thụy Điển.”

Với đường biên giới dài 1300 km với Nga, nếu gia nhập NATO, Phần Lan sẽ trở thành tiền tuyến mới với không ít rủi ro. Không có đường biên giới nhưng Thụy Điển đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xung đột nổ ra. Do đó mặc dù con đường gia nhập NATO có nhiều thuận lợi, nhưng các cuộc tranh luận vẫn đang nóng lên trong nước về quyết định có gia nhập khối Liên minh quân sự này hay không.

MỸ THÚC ĐẨY DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT TRỪNG PHẠT TRIỀU TIÊN 

Mỹ đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc siết chặt trừng phạt Triều Tiên vì những vụ phóng tên lửa đạn đạo mới đây của Bình Nhưỡng.

Mỹ đã chuyển bản dự thảo nghị quyết tới phái đoàn của 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song hiện chưa rõ khả năng hoặc thời gian văn bản này được đưa ra bỏ phiếu. Dự thảo nghị quyết do Mỹ xây dựng sẽ mở rộng lệnh cấm thử tên lửa đạn sang các loại tên lửa dẫn đường hoặc “bất cứ hệ thống nào khác có khả năng mang vũ khí hạt nhân.” Bản dự thảo cũng quy định cắt giảm lượng nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên xuống mức 2 triệu thùng/năm và cắt giảm lượng xuất khẩu xăng dầu tinh chế tới quốc gia Đông Bắc Á xuống còn 250.000 thùng. Bên cạnh đó, bản dự thảo còn tìm cách cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu “các loại nhiên liệu khai thác, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất”.

CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ KÊU GỌI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ AN NINH LƯƠNG THỰC

Các lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung kêu gọi hành động phối hợp để giúp các nước dễ bị tổn thương giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực. 

Các tổ chức quốc tế nhấn mạnh rằng thế giới đang bị rung chuyển bởi các cuộc khủng hoảng kép. Hậu quả của xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng tác động của đại dịch COVID-19, vốn đã bước sang năm thứ ba, trong khi biến đổi khí hậu và xung đột, bất ổn gây ra những tổn hại dai dẳng cho người dân trên toàn cầu. 

Ông DAVID BEASLEY, Giám đốc Điều hành WFP: "Do giá nhiên liệu, giá thực phẩm, chi phí vận chuyển tăng chúng tôi đã phải bắt đầu cắt giảm khẩu phần ăn cho hàng triệu trẻ em và gia đình trên khắp thế giới. Ở như Yemen, chúng tôi vừa cắt giảm 50% khẩu phần của 8 triệu người và bây giờ, chúng tôi đang xem xét đến việc cắt giảm hoàn toàn khẩu phần ăn."

 Giá các mặt hàng chủ lực ngày càng cao, trong khi việc thiếu nguồn cung đang gia tăng áp lực lên các hộ gia đình trên toàn thế giới và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Các quốc gia nghèo nhất đối mặt nguy cơ lớn nhất do nhập khẩu thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, tuy nhiên mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi tập trung nhiều người nghèo trên thế giới, cũng đang gia tăng. Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua phối hợp hành động trong cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, tăng cường sản xuất nông nghiệp và mở cửa thương mại./.

Vân Hương