Điều gì khiến Hải Phòng chưa nhân rộng được mô hình phân loại rác thải tại nguồn?

Chiều 8/7, Đoàn Công tác của Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội, do Chủ nhiệm Lê Quang Huy làm trưởng đoàn, làm việc với UBND Thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Một trong những vấn đề được Đoàn khảo sát quan tâm là những khó khăn trong công tác phân loại rác thải tại nguồn.

Hiện thành phố Hải Phòng mới chỉ triển khai phân loại rác thải tại nguồn tại một vài địa phương, đơn vị theo các mô hình thí điểm, chưa được nhân rộng. Lý giải về những khó khăn, Hải Phòng cho rằng, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân ở một số nơi còn hạn chế, cùng với đó, chưa có hướng dẫn phân loại cụ thể các thiết bị, vật tư từ Bộ TN&MT.

Ông TRẦN VĂN PHƯƠNG, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng: “Để phân loại túi nilông thì theo tôi Bộ Tài nguyên Môi trường cần ra một quy chuẩn mẫu luôn chất liệu là cái gì, nilông hay bằng giấy và các địa phương cứ thế mà mua bán, được ba màu nhưng không nói chỗ chất liệu không nói về cái kích cỡ dẫn đến sau này sẽ rất lộn xộn và quy trình sau này hướng dẫn tại nguồn rồi thì có thu gom từ người dân đến trạm trung chuyển thì phương tiện dùng phương tiện nào ba xe khác nhau hay là một xe ba ngăn.” 

Ông NGUYỄN THƯỢNG HIỀN, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường: “Chúng tôi yêu cầu về kỹ thuật, tức là phải đảm bảo cái này, cái kia. Còn Tỉnh phải có hướng dẫn cụ thể, không thể Bộ hướng dẫn được bởi túi nào còn phụ thuộc vào công nghệ xử lý của địa phương nữa.”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, việc phân loại rác tại nguồn cần  nhiều yếu tố, trong đó phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân; sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các bộ, ngành và cần đầu tư nguồn vốn để xây dựng công nghệ, hạ tầng. 

Ông LÊ QUANG HUY, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Túi thế nào, phương tiện chuyên chở ra sao, rác phân loại ra sao hay đến lúc đưa nguồn tất cả lại đổ ập một chỗ thì không giải quyết vấn đề và các danh mục công nghệ, nếu được thì Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ có những hướng dẫn về các mô hình để cho các địa phương thực hiện.” 

Thực tế cho thấy, việc tổ chức phân loại rác tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Để các địa phương có thể triển khai thuận lợi, các Bộ ngành cần tích cực vào cuộc, phối hợp đồng bộ với các địa phương, hướng dẫn các quy chuẩn, cụ thể hóa các quy định, bởi theo quy định của Luật BVMT 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng đoàn công tác đã đến khảo sát tại khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, quận Hải An, đơn vị đang làm điểm về công tác phân loại rác tại nguồn và một số địa điểm liên quan đến việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Hải Phòng.

Bích Hạnh