Đing Năm - Nhạc cụ kết tinh văn hóa của người Ê Đê

Người Ê Đê có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó nghệ thuật âm nhạc phát triển rất đặc sắc và độc đáo, bản sắc. Không chỉ có cồng chiêng, mà Đing Năm là một loại nhạc cụ được nhiều người yêu thích bởi nó gắn liền với đời sống của người Ê Đê. Đây là loại nhạc cụ trông rất đơn giản, nhưng âm thanh của nó thì vô cùng du dương và độc đáo.

Với ông Y Jũ Êban, ở xã Cư Suê, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk, nhạc cụ Ê Đê nói chung và kèn Đing Năm nói riêng gắn với ông từ thuở nhỏ khi được truyền lại từ người cha của mình. Đing Năm là nhạc cụ họ hơi, gồm 6 ống kèn dài ngắn khác nhau và quả bầu khô rỗng để chứa hơi thổi. Trên thân các ống kèn, dùi các lỗ bấm.

Theo phong tục xa xưa của người Êđê, Đing Năm chỉ được thổi trong nhà có đám tang. Cũng có thể thổi trên nương rẫy nhưng không được thổi trong nhà, trong buôn khi không có đám tang. Ngày nay việc kiêng cữ này không còn quá chặt chẽ, Đing Năm có thể sử dụng ở nhiều nơi.

Đing Năm có thể thổi độc tấu hoặc gắn với điệu hát Ei rei, thường là đàn ông thổi cho phụ nữ hát, sử dụng trong các dịp đón khách hay tại các lễ hội, đám tang… Nội dung thường gắn với phong tục, tập quán, quan niệm tín ngưỡng dân gian, tâm tư, tình cảm của đồng bào nơi đây. Tuy Đing Năm gắn bó với cuộc sống sinh hoạt lao động, sản xuất của bà con nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền khi đa số người biết làm và thổi Đing Năm đều đã lớn tuổi.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Liên -

Việt Bảo -

Đức Hưng