Đô thị Hà Nội trong vành đai 3 - tấm áo đã chật

Tuyến vành đai 3 và đặc biệt là phần vành đai 3 trên cao được kỳ vọng thay đổi quá trình di chuyển kết nối hai trục thành phố Hà Nội từ quận Cầu Giấy đến huyện Gia Lâm; đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại của nhiều người, giảm tình trạng ùn tắc.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị phát triển nhanh chóng, lượng người sở hữu ô tô tăng vọt, phương tiện cá nhân "bủa vây" tuyến đường này khiến tình trạng tắc đường ngày càng nhiều lên và giờ đã trở thành "đặc sản".

Không chỉ vào giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường vành đai 3 vẫn thường xuyên xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Mỗi ngày, vành đai 3 hút một lượng lớn phương tiện từ mọi hướng ra - vào trung tâm hoặc vãng lai qua một khu vực rộng lớn trải dài từ cửa ngõ phía Tây sang phía Nam Thủ đô. Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc Vành đai 3 là do lưu lượng phương tiện đi vào gấp 8 - 10 lần so với thiết kế.

Thống kê cho thấy có gần 125.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày ở đường trên cao, trong khi đó thiết kế ban đầu của tuyến chỉ đáp ứng 15.000 xe/ngày đêm. Đặc biệt, trong thời gian lễ, tết, xe cộ tăng rất cao dẫn đến hạ tầng không thể đáp ứng nổi.

Trước việc Vành đai 3 tắc cứng cả ngày, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tổ chức lại giao thông cho tuyến đường này như một tuyến đường đô thị, bởi nó thực sự là đường đô thị chứ không còn là cao tốc.

Có thể thấy, Hà Nội hiện nay trong cái áo quá chật, đường Vành đai 3, vì vậy việc xây dựng tuyến Vành đai 4 là phù hợp và cấp thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, vết xe đổ của Vành đai 3 ngày hôm nay cho thấy tốc độ phát triển hạ tầng giao thông luôn hụt hơi so với tốc độ phát triển của thành phố. Do đó cần tuân thủ đảm bảo việc xây dựng phát triển đô thị gắn với hạ tầng giao thông.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

 

Việt Hà