• 1100 lượt xem
  • 18:00 21/06/2023
  • Kinh tế

95% doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa và tâm tư của chủ doanh nghiệp

Đại dịch đã khiến 95% doanh nghiệp lữ hành trong nước đóng cửa. Phần lớn họ đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có đủ điều kiện để tiếp cận những chính sách hiện nay. Cần có những chính sách hỗ trợ tập trung hơn, thiết thực hơn là mong muốn của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay.

Phòng du lịch nước ngoài trở thành kho trữ thực phẩm. Phòng họp giờ trở thành bếp nấu. Khu vực văn phòng chính im ắng vì hàng ghế dành cho khách hàng chắc chắn đã rất lâu rồi không có ai ngồi. Thật không thể tưởng tượng một doanh nghiệp lữ hành từng có thâm niên hàng chục năm trong nghề với doanh thu trung bình từ 8-10 tỷ đồng/tháng vào thời điểm du lịch phát triển nay lại phải bán từng suất ăn để có kinh phí duy trì chờ đến ngày ngành du lịch hồi phục.

Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch VieSense Travel cho biết: "Cho tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp đang ở trạng thái kiệt quệ, suốt gần hai năm liên tục dịch bệnh bùng phát, hoạt động kinh doanh gần như tê liệt, doanh nghiệp gần như không có doanh thu, chúng tôi đang nỗ lực để sống sót, tồn tại để làm sao giữ được mặt bằng, giữ lại được đội ngũ cốt lõi của doanh nghiệp để hy vọng có thể trụ vững và phục hồi khi mà dịch bệnh lắng xuống."

Sau làn sóng của lần dịch thứ 3, những  tưởng du lịch bắt đầu có hy vọng, nhưng đợt dịch bệnh thứ tư lại ập tới dập tắt mọi hy vọng mới le lói của tất cả các công ty lữ hành.

Ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Công ty GoldTour chia sẻ: "Tất cả các nguồn thu từ du lịch gần như bằng 0, chúng tôi chỉ còn lại những dịch vụ nhỏ lẻ."

Ông Tạ Hữu Chiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Sun Vina Travel cho hay: "Tất cả nhân viên của chúng tôi đều phải nghỉ không lương hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác, giờ tôi cũng chỉ duy trì một bộ máy tối thiểu nhất mà thôi."

Theo thống kê của ngành du lịch, tính tới thời điểm hiện tại, 95% doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa. Trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, như: giãn hoãn thuế, giảm mức kỹ quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành, phần lớn họ đều là là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có đủ điều kiện để hưởng những chính sách này, hơn nữa là một trong hai ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, nên họ mong muốn có những chính sách hỗ trợ tập trung hơn, thiết thực hơn.

Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch VieSense Travel cho rằng: "Các chính sách miễn tiền thuê đất hay giãn các chi phí đóng về quỹ tử tuất thì thứ nhất chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn, còn chi phí về tử tuất thì rất nhỏ, còn việc giãn hoãn một phần thuế doanh nghiệp thì các doanh nghiệp lữ hành gần 2 năm vừa qua không phát sinh kinh doanh thì không có doanh thu, do vậy những chính sách đó chưa thực sự thiết thực, chưa thực sự hiệu quả."

Dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Những doanh nghiệp lữ hành còn lại vẫn đang cố gắng cầm cự. Nếu không sớm có những chính sách hỗ trợ trúng và đúng, không biết rồi 5% số doanh nghiệp lữ hành còn lại sẽ ra sao?